Doanh nghiệp dệt may đang “ăn đong”

(PLVN) - Có lẽ chưa bao giờ ngành Dệt may lâm vào tình trạng khủng hoảng  như hiện nay khi các đơn hàng chỉ đến một cách nhỏ giọt từng tuần. Thậm chí, hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp may đều đang trong tình trạng “ngồi chờ, không thể biết trước được điều gì”! 
Việc làm của doanh nghiệp Dệt may được dự báo sẽ rất khó khăn trong những tháng cuối năm 2020.
 Việc làm của doanh nghiệp Dệt may được dự báo sẽ rất khó khăn trong những tháng cuối năm 2020.

Mới có đơn hàng đến tháng 9

Bộ Công Thương cho hay, một số ngành công nghiệp chủ lực trong tháng 8 có chỉ số giảm sâu hoặc tăng thấp, đặc biệt là dệt may - ngành hàng được kỳ vọng sẽ xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD vào năm 2020.

Số liệu thống kê cho thấy, sản xuất dệt tháng 8 tăng 3,1% so với tháng 7 và tăng 4,9% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 1,3% so với cùng kỳ. Sản xuất trang phục tháng 8 tăng 4,9% so với tháng trước, tăng 4,4% so với cùng kỳ; nhưng tính chung 8 tháng vẫn giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. 

Theo Bộ quản lý ngành, do ảnh hưởng của dịch Covid, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành Dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, tâm lý không chắc chắn về diễn biến tương lai cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình dè dặt trong chi tiêu, đầu tư của các doanh nghiệp (DN) cũng chững lại. 

Trong khi đó, về tổng cầu dệt may thế giới, bước sang quý III/2020, tình hình thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa đón nhận nhiều dấu hiệu khả quan, cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều. Niềm tin tiêu dùng các mặt hàng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt.

Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho đi nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy thị trường cũng như cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo đang chững lại. 

Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại các DN đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Bên cạnh đó, đặc thù ngành May là cần nắm thông tin đơn hàng trước 3-6 tháng để chuẩn bị nguyên liệu sản xuất, nhưng đến nay, các DN đều phải… loay hoay, chờ chốt từng đơn hàng cho từng tháng gối đầu nhau. 

Tình hình này cũng được dự báo ít nhiều do người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh nhưng không nghĩ đến mức DN dệt may phải chờ đơn hàng từng tháng, có khi là từng tuần. Theo đó, một số doanh nghiệp đã nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng. 

Ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc Công ty May Hồ Gươm cho biết, DN  này hiện mới có đơn hàng  sản xuất đến 22/9; “còn lại chưa biết thế nào”-ông nói. Hầu hết, các DN khác cũng đều công bố, đơn hàng họ nhận được đến nay cũng mới chỉ đến tháng 9. 

Giảm giá, bớt lãi vẫn thiếu việc 

Tình trạng khủng hoảng ngành Dệt may trên toàn cầu đã được ghi nhận khi mới đây nhất, 8 nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ với hàng trăm năm tuổi đã nộp đơn xin phá sản, với tổng doanh thu tiêu dùng khoảng 10 tỷ USD.

Nhiều hãng thời trang lớn đã đóng bớt cửa hàng và đồng thời cũng xắn tay vào sản xuất khẩu trang nhưng đến giờ khẩu trang cũng không còn là đường lui của ngành Dệt may bởi nhu cầu khẩu trang đã trở nên bão hòa. 

Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, trong nửa đầu năm 2020, doanh thu của May 10 đạt gần 1.800 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ do vẫn còn các đơn hàng đã ký kết từ năm trước và có sự gia tăng từ doanh số sản xuất khẩu trang.

Dù thế, May 10 cũng còn rất nhiều khó khăn, nhất là khi các sản phẩm truyền thống giảm khoảng 30%. Hiện tại, lượng đơn hàng của đơn vị chỉ đủ đến tháng 9, trong khi những năm trước, đều đã có nhiều đơn hàng được ký cho những tháng đầu năm sau.

Đại diện May Hồ Gươm còn cho biết thêm, hiện DN vẫn duy trì sản xuất để bảo đảm việc làm cho công nhân nhưng cũng chưa thể biết tình hình sẽ như thế nào vì “hoàn toàn phụ thuộc vào các đối tác”.

Thực tế, khách hàng truyền thống vẫn gửi email hỏi thông tin sản phẩm và yêu cầu hàng mẫu, tuy nhiên chưa đối tác nào chốt đơn hàng. Bây giờ lại là thời gian đang giao vụ nên tình hình chốt đơn hàng càng khó khăn hơn, có thể không có đơn hàng nào hoặc lại có khách hàng đặt nhiều mẫu một lúc. “Nói chung bây giờ chúng tôi chỉ còn biết ngồi chờ” - ông Trịnh nói với PLVN. 

Hiện, hầu hết các DN dệt may cũng vẫn cố gắng đàm phán, đẩy nhanh tốc độ “chốt đơn” với các đối tác, thậm chí có thể xảy ra hiện tượng chấp nhận giảm giá đơn hàng, không có lãi để duy trì việc làm cho công nhân nhưng nhiều khách hàng cũng vẫn chốt “chờ”. 

Theo nguồn tin của PLVN, các đơn hàng trong tháng 9 đều là các đơn đã chốt trong tháng 7/2020. Điều này đồng nghĩa với việc trong tháng 8 hầu như không chốt được đơn hàng nào. Như vậy, tình hình việc làm của ngành Dệt may trong tháng 10 sẽ vô cùng khó khăn. 

Đọc thêm