Doanh nghiệp dệt “than” lương tối thiểu

(PLO) - Bài toán đảm bảo hài hòa lợi ích giữa quyền lợi người lao động và kinh doanh đang làm đau đầu các doanh nghiệp dệt may…
Với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành Dệt may, da giày, việc tăng lương đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành Dệt may, da giày, việc tăng lương đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Nhiều trăn trở

Cập nhật những cơ chế, chính mới trong lĩnh vực lao động tiền lương và BHXH tại Hội thảo “Tác động của các cơ chế chính sách mới trong lĩnh vực lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội đến các doanh nghiệp ngành Dệt may”, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định mức lương tối thiểu vùng năm 2018 với mức tăng 6,5%.

Cơ sở xác định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 dựa trên 2 chỉ số là chỉ số giá tiêu dùng và năng suất lao động. Theo tính toán, tổng mức chi phí của DN và người lao động cho các loại quỹ là khoảng 35%, trong đó DN là 23,5% và người lao động ở mức 11,5%. Ông Thiện đánh giá, mức chi phí này ở các DN trong nước cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, các nước khác trong khu vực có nền lương đóng các loại quỹ cao hơn nước ta rất nhiều.

Đánh giá những tác động của các chính sách đến ngành Dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may cho rằng, tính từ năm 2008 đến năm 2017, Nhà nước tăng lương tối thiểu vùng 10 lần với tỷ lệ cao, trong đó DN trong nước tăng bình quân 21,9%, còn DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,2%.

Trong khi GDP giai đoạn 2008-2016 tăng bình quân 5,96%; CPI tăng 8,77% và năng suất lao động tăng 3,65%. Việc tăng lương tối thiểu vùng làm tăng nền đóng BHXH, tăng chi phí nhân công cho DN. Qua khảo sát hơn 20 DN lớn trong ngành Dệt may, chi phí của DN tăng lên rất lớn. Riêng toàn ngành Dệt may, với mức lương tối thiểu tăng lên 6,5% từ năm 2018 thì chi phí đóng BHXH, BHYT của DN lên tới hàng nghìn tỷ, riêng chi phí đóng quỹ công đoàn lên tới 500 tỷ trong toàn ngành.

 Ông Cẩm cũng cho rằng, Luật BHXH năm 2014 quy định từ ngày 1/1/2018, lao động nữ đóng BHXH 30 năm mới được hưởng 75% lương hưu. Tuy nhiên, với lao động nam lại có lộ trình bắt đầu từ năm 2022, đóng đủ 35 năm BHXH mới được hưởng 75% lương hưu là không hợp lý. Việc tăng thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng tối đa 75% lương hưu, trong khi người lao động ngành Dệt may hầu hết là nữ và phải ra khỏi dây chuyền trước thời gian quy định được nghỉ hưu, do vậy không những khó đạt được mức lương hưu 75% mà mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi phải trừ 2% thay vì 1% lương hưu như trước đây sẽ tác động không nhỏ đến thu nhập người lao động.

Hiện đang có tình trạng, người lao động gần đến tuổi nghỉ hưu thì xin nghỉ hàng loạt để không chịu tác động những quy định về BHXH từ năm 2018, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của DN. Vì vậy, theo ông Trương Cẩm, cần bổ sung ngành Dệt may vào danh mục ngành nghề được phép cho thuê lại lao động; nghiên cứu các quy định để người lao động không lợi dụng trợ cấp thôi việc...

Tăng lương, doanh nghiệp khó

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, lương tăng khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, phải loay hoay tìm giải pháp ứng phó như: giảm tiền lương mềm, sử dụng máy móc thay thế người lao động. Đặc biệt, với các DN sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày, việc tăng lương đang gây rất nhiều khó khăn cho DN.

Việc tăng lương tối thiểu liên tục còn làm giảm khả năng cạnh tranh đầu tư, ảnh hưởng đến thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, DN không có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, dẫn đến người lao động không có việc làm…

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Cty CP May Hưng Yên, Cty hiện có 15.000 lao động, với mức tăng lương tối thiểu vùng 6,5% trong năm 2018, theo tính toán, chi phí đóng BHXH tăng theo. Mỗi tháng, DN sẽ mất thêm gần 100.000 đồng cho 1 lao động. Tính ra, mỗi năm, số tiền tăng thêm khoảng 18 tỷ đồng. Trong khi, Tổng Cty có 14 DN thành viên, nhưng chỉ có 9 DN là làm ăn có lãi, còn 5 DN lỗ, hoặc hoạt động cầm chừng. “Cứ đà này thì khó mà bám trụ được. Thực tế, có nhiều DN may khác ở Hưng Yên cũng đã phải đóng cửa.”, ông Dương bày tỏ.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty May 10 (May 10) ông Thân Đức Việt cho rằng, việc tăng lương và tăng ở mức 6,5% vẫn là một gánh nặng lớn cho DN. May 10 kiến nghị, không nên tăng lương liên tục như hiện nay mà nên có thời gian “nghỉ” để các DN ổn định sức sản xuất.

Theo đó, Vitas kiến nghị, ngừng tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 và xem xét điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm về mức hợp lý để DN có thể tập trung nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng sản xuất giải quyết việc làm cho các vùng nông thôn, miền núi.

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động năm 2012 đang có rất nhiều bất cập gây khó khăn cho DN. Chẳng hạn như quy định về làm thêm giờ, về trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, về tiền lương tối thiểu, về an toàn vệ sinh lao động, về kỷ luật lao động...Vitas đề nghị cần đẩy nhanh quy trình sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn. 

Đọc thêm