Doanh nghiệp FDI: “Sợ” nhất chính sách không ổn định

(PLO) - Theo Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Đậu Anh Tuấn,  năng lực đàm phán của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) sau khi đã bỏ vốn vào Việt Nam giảm rõ rệt so với trước đây, khi họ mới bắt đầu tìm hiểu để quyết định đầu tư. Chính sự không nhất quán về chính sách sẽ khiến cho Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư rủi ro hơn đối với nhà ĐTNN…
Doanh nghiệp FDI: “Sợ” nhất chính sách không ổn định

Vấn đề được đề cập tại Hội thảo “Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà ĐTNN tại Việt Nam” do VCCI” và Cục ĐTNN (Bộ KH&ĐT) và Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Am Cham Hà Nội) phối hợp tổ chức hôm qua, 7/12.

Lo ngại Việt Nam là điểm đến đầu tư rủi ro…

“Các thành viên của chúng tôi thường gặp phải việc thực thi chính sách không đồng nhất, không hiệu quả, và đối xử không công bằng giữa các khu vực. Trong một số trường hợp, các hiện tượng này còn nảy sinh những hình thức mới. Thực tế này gây khó khăn lớn cho hoạt động của các thành viên của chúng tôi, bất luận nó là hệ quả của tham nhũng, chủ nghĩa bảo hộ, việc thu thuế, hay Chính phủ đang chọn kẻ thắng người thua…”-  Giám đốc điều hành, Am Cham Hà Nội, ông Adam Sitkoff phát biểu.

Vấn đề được nhiều Hiệp hội DN nước ngoài “kêu” nhiều nhất là việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt. Theo đại diện Am Cham Hà Nội , chỉ có 4 quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, chiếm khoảng 2% dân số trong khu vực, đánh thuế TTĐB lên nước ngọt. Hầu hết các quốc gia không đánh thuế này vì nó có tác động xấu đến nền kinh tế và chưa được chứng minh là bảo vệ sức khoẻ. 

Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam, ông Herbert Cochran cho rằng đề xuất tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% và áp thuế TTĐB10% đối với nước ngọt sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đối với các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp nước giải khát và cả người tiêu dùng. Việc tăng thuế sẽ khiến các DN vừa và nhỏ chịu tổn hại nhiều nhất, thậm chí có thể không thể tiếp tục hoạt động; Người tiêu dùng có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng; trong khi tổng thu ngân sách từ thuế của Chính phủ có thể giảm xuống. Đáng ngại, việc áp thuế TTĐB chỉ đối với nước ngọt sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong ngành thực phẩm và nước giải khát…

Các ý kiến cũng lưu ý rằng Nghị định 54/2017/NĐ- CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược bao gồm một số điều khoản không tương thích với Luật Dược. “Việc thi hành Nghị định này sẽ buộc một số nhà ĐTNN phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ, gây tổn thất hàng trăm triệu đô la và làm gián đoạn việc cung cấp hàng ngàn loại thuốc cần thiết…”- Giám đốc điều hành, Am Cham Hà Nội, ông Adam Sitkoff lên tiếng.

Tổ chức này cũng cho rằng quy định trong Dự thảo Luật An ninh mạng về việc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam không những không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng của Việt Nam mà còn tạo ra gánh nặng không cần thiết cho các DN nước ngoài.  

Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng, khi Ngân hàng nhà nước ban hành  các quy định hướng dẫn Bộ luật Dân sự mới đã tạo ra những thách thức đáng kể cho các công ty nước ngoài.  Đơn cử Thông tư 23/2014/TT-NHNN và Thông tư 32/2016/TT-NHNN không còn cho phép các tổ chức nước ngoài (văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức nước ngoài, đại sứ quán, quỹ đầu tư nước ngoài...) trực tiếp mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Ngoài ra, Thông tư 39/2016/TT-NHNN còn hạn chế khả năng tài trợ linh hoạt và hợp lý thông qua các cơ sở không cam kết và ảnh hưởng đến khả năng của ngân hàng trong nước hợp tác với các ngân hàng nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của khách hàng Việt Nam. 

Theo  đại diện Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam, việc thường xuyên thay đổi chính sách pháp lý sẽ khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư rủi ro hơn đối với các nhà ĐTNN. 

“Các thay đổi về chính sách pháp lý, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến chính sách thuế như tăng thuế suất hoặc áp dụng các loại thuế mới sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đối với các dự án đầu tư. Những thay đổi về thuế sẽ làm thay đổi toàn bộ kế hoạch kinh doanh ban đầu, do chi phí tăng cao, giảm doanh thu và do đó giảm tỷ suất lợi nhuận hoặc kéo dài thời gian thu hồi vốn đầu tư. …”  , ông Herbert Cochran phân tích,

Ông  Herbert Cochran cũng cho rằng, nhà đầu tư có thể do dự trước những quyết định mở rộng đầu tư vào Việt Nam khi họ đã phải đối mặt với những thay đổi thường xuyên về chính sách hay về thuế suất. Các nhà đầu tư sẽ lựa chọn những điểm đến có môi trường pháp lý ổn định. Những quốc gia thường xuyên có những thay đổi về chính sách pháp lý sẽ là môi trường đầu tư rủi ro cao cho họ

Chính sách thất thường do quan điểm

Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN (VAPIE), nên nhìn nhận vấn đề 2 mặt. Nếu chính sách nơi này nơi khác ảnh hưởng đến thu hút FDI nhưng phải khẳng định rằng 30 năm  đổi mới của Việt Nam bất đầu từ Luật ĐTNN năm 1987. “Từ Luật ĐTNN 1987 đến Luật Đầu tư và Luật DN 2014 là bước tiến của hệ thống luật pháp Việt Nam, đã góp phần quan trọng trong việc thu hút FDI của các nhà đầu tư trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với 165 tỷ USD vốn thực hiện, đóng góp 19% thu ngân sách nội địa, 19% GDP, trêm 55% giá trị sản lượng công nghiệp và hơn 7% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017”- Chủ tích VAPIE đánh giá.

Tuy nhiên Chủ tịch VAPIE cũng thẳng thắn thừa nhận, quá trình thay đổi chính sách và pháp luật  trong 30 năm vừa qua đã nẩy sinh nhiều khiếm khuyết. 

Theo các cuộc điều tra của các tổ chức khác nhau thì vẫn tồn tại nhiều vấn đề đang được DN FDI quan tâm như tính ổn định của pháp luật, điển hình như Luật Thuế thay đổi liên tục và quá nhanh, Thông tư của Bộ Tài chính ban hành rồi sửa đổi làm cho DN không kịp trở tay, thủ tục thông quan hải quan tuy được cải tiến nhưng vẫn mất khá nhiều thời gian so với các nước ASEAN-4, việc thuê lao động nước ngoài có kỹ năng, nhất là quy định từ ngày 1/1/2018 lao động nước ngoài phải đóng BHXH đến nay chưa có hướng dẫn..

“Nhưng lần thay đổi chính sách và pháp luật  là quá trình đấu tranh về nhận thức và quan điểm  giữa cải cách với bảo thủ, giữa mở cửa hội nhập với thế giới và bảo hộ mậu dịch. Lúc nào xu thế tiến bộ thắng thế thì khi đó pháp luật trở nên thông thoáng hơn, tiếp cận với thông lệ quốc tế hơn…”- Ông Mại nhận định.

Đọc thêm