Doanh nghiệp “kêu trời” vì giá nguyên liệu tăng gấp 20 lần

(PLVN) - Tình hình dịch bệnh COVID-19 trong những ngày qua đang có những diễn biến phức tạp. Số ca bệnh tăng khiến cho nhu cầu về các mặt hàng như khẩu trang, quần áo phòng dịch cũng tăng đột biến. Tuy vậy, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguyên liệu cũng “đội giá” khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Doanh nghiệp “kêu trời” vì giá nguyên liệu tăng gấp 20 lần

Giá nguyên vật liệu tăng đột biến từ 10-20 lần so với bình thường

Chia sẻ với PV, ông Trương Việt Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm và Sinh học y tế - đơn vị chuyên nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm Dược phẩm và sản phẩm sinh học, trang thiết bị y tế, cho biết, trong tình hình khó khăn chung, dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới thì việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu rất hạn chế.

Dù trước đó Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành quyết định công bố danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ công tác chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, trong đó có nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, nhưng giá nguyên vật liệu dành cho sản xuất khẩu trang và quần áo phòng chống dịch tăng đột biến từ 10-20 lần so với bình thường. Điều này gây nên tình trạng khan hiếm và tăng giá các sản phẩm trang thiết bị y tế trên toàn quốc. Ngoài ra, các nguyên liệu dược phẩm dành cho sản xuất thuốc chữa bệnh cũng tăng giá không ngừng

Ông Trương Việt Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm và Sinh học y tế.
Ông Trương Việt Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm và Sinh học y tế.

Hiện tại thì Ấn độ và Trung Quốc là 2 quốc gia lớn về nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất dược phẩm đã hạn chế và cấm xuất khẩu một số nguyên vật liệu dược phẩm, nên giá nguyên vật liệu dược phẩm vẫn tăng cao và khan hiếm.

Cũng chính vì giá nguyên vật liệu tăng cao như vậy nên giá thành sản xuất của 1 chiếc khẩu trang sẽ tăng giá lên 5-7 lần tùy từng loại khẩu trang, dẫn đến doanh nghiệp cũng phải tăng giá bán lên khoảng gấp 5 lần so với lúc giá NVL bình thường để bù đắp chi phí, đảm bảo không bị thua lỗ.

Điều này chắc hẳn cũng sẽ khiến cho nhiều người tiêu dùng gặp khó và phải chi tiêu cao hơn cho mặt hàng này.

Tháo gỡ “nút thắt” cần sự tham gia của cơ quan quản lý

Trước tình hình trên, Công ty Cổ phần Dược phẩm và Sinh học y tế đã chủ động đưa ra những giải pháp. “Tích cực tìm các nguồn cung cấp nguyên liệu thay thế và hợp tác với các đơn vị bạn để chia sẻ các thông tin về nhà cung cấp, ký các hợp đồng cung cấp dài hạn để chủ động về nguồn cung cấp trong kế hoạch dài hạn”, đại diện công ty cho hay.

Phía doanh nghiệp này cũng có đề xuất: “Để hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp trong việc thiếu nguyên liệu sản xuất, cần có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ tìm nguồn cung cấp từ nước ngoài, cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trọng việc chống đầu cơ, tích trữ lợi dụng tình hình biến động để tăng giá nguyên vật liệu. Mặt khác, cũng cần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bằng cách giãn hoặc miễn giảm thuế để các doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, khủng hoảng”.

Sản phẩm khẩu trang đang được Công ty Cổ phần Dược phẩm và Sinh học y tế sản xuất và bán trên thị trường.
 Sản phẩm khẩu trang đang được Công ty Cổ phần Dược phẩm và Sinh học y tế sản xuất và bán trên thị trường.

Như vậy, hiện nay các doanh nghiệp y tế cần nỗ lực, chủ động hơn trong việc tìm nguồn cung cấp nguyên liệu, đồng thời thực hiện chặt chẽ việc cung ứng, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng như trước.

Theo báo cáo của các nhà sản xuất trong nước lên Bộ Y tế, quy mô sản xuất khẩu trang y tế mỗi ngày trung bình của các doanh nghiệp là khoảng 3 triệu chiếc. Tin chắc rằng, với tiến độ sản xuất này, nguồn cung khẩu trang dần sẽ ổn định.

Một số nguyên vật liệu dành cho sản xuất khẩu trang và bộ quần áo y tế phòng chống dịch tăng giá cao như:

1. Màng vi lọc Melt blown, tăng giá từ 60.000đ/kg tăng lên 2.400.000 đ/kg

2. Vải không dệt Sunbond: tăng giá từ 40.000 đ/kg lên 100.000 đ/kg.

3. Vải không dệt SS: tăng giá từ 44.000 đ/kg lên 105.000đ/kg

4. Vải không dệt SMS: tăng giá từ 60.000 đ/kg lên 150.000 đ/kg.

5. Vải viền đầu khẩu trang: tăng giá từ 40.000 đ/kg lên 120.000đ/kg

6. Quai tai: tăng giá từ 80.000 đ/kg lên 1.000.000đ/kg

7. Nẹp mũi: tăng giá từ  55.000 đ/kg lên 450.000 đ/kg.

8. Dây chuyền máy móc sản xuất khẩu trang y tế tự động: tăng từ 1,5 tỷ/dây chuyền lên 4,5 tỷ đồng/dây chuyền. 

Ngoài ra, các nguyên liệu dược phẩm dành cho sản xuất thuốc chữa bệnh cũng tăng giá:

+ Nguyên liệu kháng sinh cefuroxime: tăng giá từ 142 usd/tấn lên 197 usd/tấn

+ Các nguyên liệu thuốc bổ, Vitamin: cũng tăng giá thêm từ 20 – 50usd/tấn.

Đọc thêm