Doanh nghiệp ngày càng chú trọng xây dựng thương hiệu

(PLVN) - Số lượng doanh nghiệp tham gia xét chọn chương trình Thương hiệu quốc gia mỗi kỳ một tăng. Số lượng doanh nghiệp, sản phẩm đạt đủ tiêu chí chương trình cũng tăng mạnh cho thấy doanh nghiệp ngày càng chú trọng hơn tới xây dựng thương hiệu.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 1.000 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 1.000 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia.

Nhiều thương hiệu lớn vắng mặt

Cuối tháng 11 này, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lễ công bố danh sách các Thương hiệu Quốc gia (THQG) năm 2020. Theo đại diện Ban tổ chức (BTC), kỳ xét chọn sản phẩm THQG năm 2020 có số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia đông đảo nhất với trên 1.000 DN (tăng 27 DN so với năm 2018) trong đó lựa chọn được 124 DN để thẩm định kỹ lưỡng và tiến hành xét trao THQG.

“Năm nay, dù ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng số lượng DN tham gia vẫn rất nhiều, số lượng sản phẩm và thương hiệu đạt tiêu chí xét chọn THQG tăng lên cho thấy các DN đã ngày càng quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói. 

Điều này cũng được minh chứng qua số lượng các DN có sản phẩm đạt THQG liên tục tăng qua các thời kỳ. Từ 30 DN năm 2008 lên 97 DN năm 2018 đến năm 2020, số lượng đã tăng hơn 4 lần, lên tới 124 DN. Đáng chú ý, số lượng các thương hiệu lớn tham gia xét chọn cũng tăng dần và xuất hiện đều qua mỗi lần tổ chức xét chọn. 

Tuy nhiên, “Do chương trình là tự nguyện, các DN muốn tham gia xét chọn phải tự chuẩn bị một bộ hồ sơ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chương trình để chúng tôi tiến hành chấm điểm nên số lượng DN được công bố đạt THQG chưa chắc đã bao gồm tất cả các thương hiệu lớn của Việt Nam” - đại diện BTC chương trình nói với PLVN. 

Thêm nữa, trong lần xét chọn năm 2020, có một số điểm mới rất đáng chú ý, được quy định trong Quyết định 30/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 33/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương. Cũng chính vì có một số tiêu chí mới được quy định tại 2 văn bản này nên theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, một số DN có thương hiệu mạnh trên thị trường có gửi hồ sơ tham gia nhưng chưa được công nhận đạt THQG do chưa đáp ứng một số tiêu chí đã được quy định.

Đại diện BTC cho biết, các sản phẩm THQG năm 2020 rất đa dạng thuộc trên 15 ngành nghề khác nhau. Bên cạnh những thương hiệu hàng đầu liên tục đạt THQG trong nhiều năm liền như Vinamilk, TH Milk, Vietnam Airlines, Vietcombank, PVGAS…, còn có những thương hiệu có tên tuổi lần đầu tham gia và trở thành DN có sản phẩm đạt THQG như: VnPay, Mobifone, Cholimex, Dược Nam Hà, Richy, Pan… 

Không những thế, có một số tập đoàn và các công ty con cùng đăng ký tham gia xét chọn như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam - Gelex, Tập đoàn BRG… Những sản phẩm, dịch vụ còn mới mẻ như thanh toán điện tử, quản lý khách sạn, du lịch trải nghiệm… của các DN tham gia năm nay đã làm nên sự đa dạng cho Chương trình, càng chứng tỏ hơn nhận thức của các DN trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực về tầm quan trọng của thương hiệu đã được nâng cao.

Mục tiêu 1.000 sản phẩm đạt THQG vào năm 2030

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các nội dung đã được phê duyệt theo Quyết định 1320/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình THQG từ năm 2020 đến năm 2030 và Quyết định 30/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình THQG. 

Trong đó, tập trung vào ba nội dung chính gồm: Nâng cao nhận thức của xã hội, của cộng đồng DN đối với công tác xây dựng, phát triển thương hiệu; Hỗ trợ trực tiếp để các DN đáp ứng được tiêu chí của chương trình và trở thành các DN có sản phẩm đạt THQG; Quảng bá các sản phẩm đạt THQG tới đối tác quốc tế cũng như người tiêu dùng trong nước. 

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp thực hiện các chương trình thực tế để khích lệ và hỗ trợ các DN có sản phẩm đạt THQG khẳng định mình, tăng niềm tin trong cộng đồng và phát triển kinh doanh một cách thiết thực, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đạt THQG tại thị trường trong nước. 

Riêng thị trường nước ngoài, do ảnh hưởng dịch Covid-19 vẫn đang gây khó khăn cho kinh tế toàn cầu nên trước mắt, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và xây dựng các sản phẩm truyền thống nhằm giúp tăng cường nhận biết các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể của Việt Nam đến khách hàng, người tiêu dùng quốc tế.

“Với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình THQG, Bộ Công Thương hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa DN Việt Nam quan tâm tham gia và đáp ứng các tiêu chí của Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam như mục tiêu đã đề ra, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng và có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế” - Thứ trưởng Hải nói. 

Đọc thêm