Doanh nghiệp “ngủ đông” gia tăng giữa dịch Covid-19

(PLVN) - Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 4 này số doanh nghiệp mới thành lập sụt giảm đến gần 47%, trong khi số doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường do gặp khó khăn đã tăng đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng.
Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng.

Cụ thể, trong tháng 4/2020 cả nước có 7.885 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký là 93.854 tỉ đồng, giảm 46,9% về số doanh nghiệp và giảm 43,8% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng có số doanh nghiệp thành lập thấp nhất trong vòng bốn tháng qua.

Số doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường trong cùng thời gian trên là 7.267 doanh nghiệp, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó bao gồm: 4.121 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 65,2%); 2.166 doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể, (tăng 13,8%); và 980 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 17,6%).

Tuy nhiên, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng này là 3.810 doanh nghiệp, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng đây có thể là tín hiệu cho thấy một bộ phận doanh nghiệp đã tái khởi động lại để chuẩn bị đón những cơ hội kinh doanh mới khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Như vậy, tình hình đăng ký doanh nghiệp 4 tháng đầu năm năm cho thấy những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp

Các chuyên gia kinh tế nhận xét, tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường tiếp tục thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là xu hướng chờ đợi, đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để nghe ngóng, xem xét diễn biến của dịch bệnh, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay “đóng cửa” doanh nghiệp. Thực tế thể hiện, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn gia tăng và giảm về số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể.

Tính trong 4 tháng đầu năm 2020, trên cả nước có 13.956 doanh nghiệp chờ giải thể. Các ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: bán buôn, bán lẻ (5.155 doanh nghiệp, chiếm 36,9%); xây dựng (1.588 doanh nghiệp, chiếm 11,4%); công nghiệp chế biến, chế tạo (1.598 doanh nghiệp, chiếm 11,5%).

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 5.103 doanh nghiệp, trong đó kinh doanh bất động sản; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; và giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 48,4%; 43,3% và 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đọc thêm