Doanh nghiệp nhà nước: Bao giờ được thực quyền?

(PLVN) - Trong khi doanh nghiệp (DN) tư nhân muốn được như doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì các ông chủ DNNN cũng có nỗi khổ riêng khi chưa thực sự được thực quyền theo nguyên tắc thị trường…
Nhiều DNNN như  Vinatex đang bị khó với các quy định ràng buộc đối với DNNN.
Nhiều DNNN như Vinatex đang bị khó với các quy định ràng buộc đối với DNNN.

Lầm lẫn quyền sở hữu và quyền tài sản

Tại Hội thảo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Đại sứ quán Australia tổ chức cuối tuần qua, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng đang có sự “lầm lẫn” quyền của chủ sở hữu với quyền của DN. 

Chuyên gia này lưu ý: Chủ sở hữu là sở hữu cổ phần tại DN, còn tài sản của DN là thuộc sở hữu của DN. Chủ sở hữu có quyền tham gia vào các vấn đề quan trọng của DN (như chiến lược phát triển, định hướng phát triển và giao mục tiêu nhiệm vụ, chỉ tiêu cho DN còn quyền sử dụng tài sản như thế nào (bán hay cho thuê…)  là thuộc về DN. Thế nhưng trên thực tế, các cơ quan quản lý Nhà nước còn tham gia quyết định nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.

Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), một nghiên cứu về vấn đề này của CIEM cũng đã chỉ ra rằng tình trạng giám sát của Nhà nước còn thụ động hoặc chỉ thực thi quyền sở hữu từ xa có thể làm suy yếu động cơ của các DNNN và cán bộ trong DN trong việc hành động vì lợi ích tốt nhất của DN và người dân - cổ đông thực sự của DN và làm tăng khả năng hành động vì lợi ích cá nhân của cán bộ trong DN. Vấn đề cũng có thể phát sinh khi DNNN phải thực hiện mục tiêu kép, bao gồm thực hiện các hoạt động kinh tế và đáp ứng vai trò mục tiêu chính sách công.

Khoảng cách lớn

Đặc biệt, Báo cáo lưu ý: “Ở Việt Nam, vẫn có những hạn chế và khoảng cách lớn trong tạo lập các điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường”.

Đơn cử như chuyện tiền lương và bổ nhiệm người quản lý, ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu Cải cách và phát triển DN của CIEM cho biết, ở DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người được bổ nhiệm vào các chức danh quản lý công ty phải được quy hoạch cho chức danh bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ; hoặc được quy hoạch vào chức danh tương đương với chức danh bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác. Để được đưa vào quy hoạch, họ phải đáp ứng nhiều điều kiện hành chính Nhà nước, không thực sự phù hợp với các đối tượng là chuyên gia bên ngoài hệ thống Nhà nước.

Hay như chuyện mua bán tài sản, DNNN cũng chưa được chủ động quyết định đầu tư mua bán tài sản và đầu tư các dự án lớn mà phải qua một chu trình phức tạp, mất nhiều thời gian trình chủ sở hữu là cơ quan Nhà nước phê duyệt. Trong khi đó, hiệu quả thực thi trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu còn hạn chế.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) từng chia sẻ, DNNN phải tuân thủ theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Theo đó, trước khi biểu quyết tất cả những nội dung thuộc thẩm quyền hội đồng quản trị (HĐQT), người đại diện phần vốn nhà nước tại DN phải xin ý kiến chủ sở hữu, sau đó triệu tập HÐQT họp để biểu quyết, thông qua nghị quyết làm cơ sở cho cơ quan điều hành triển khai thực hiện. Thời gian chờ chủ sở hữu trả lời thường không cố định, có thể là một hoặc hai tháng.

“Trước đây là DN 100% vốn nhà nước, việc chờ cơ quan chủ quản có ý kiến chỉ đạo là đương nhiên. Nhưng từ năm 2015, Vinatex trở thành công ty cổ phần với 48% vốn điều lệ thuộc về cổ đông ngoài nhà nước cho nên quy trình này sẽ làm khó cho tập đoàn…”- ông Trường phát biểu. 

Lấy ví dụ từ thực tế hoạt động, đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Điều 25, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN quy định DN được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản cố định theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn (không giới hạn mức). Tuy vậy, Nghị định 10/2017/NĐ-CP lại quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản không vượt quá mức vốn của dự án nhóm B… Điều này làm cho DNNN đặc biệt là EVN đang bị “cầm chân” và loay hoay trong huy động vốn.

Phải tách bạch nhiệm vụ chính trị với hoạt động kinh doanh

Theo các chuyên gia, để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong thời gian tới, yếu tố tiên quyết là nâng cao tính minh bạch của DNNN. DNNN cần có báo cáo cho Nhà nước và công chúng (cả thông tin tài chính và thông tin phi tài chính) đáp ứng chuẩn mực công bố thông tin quản trị công ty theo thông lệ quốc tế. Báo cáo tài chính năm của DNNN phải được kiểm toán độc lập theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Sự minh bạch liên quan đến kết quả tài chính và phi tài chính của DNNN chính là chìa khóa cho việc tăng cường trách nhiệm của HĐQT và ban điều hành của DNNN.

Cùng với đó, tăng cường kỷ luật tài chính và kỷ luật ngân sách đối với DNNN. Theo đó, giảm ưu tiên, ưu đãi và lợi thế thực tế của DNNN trong tiếp cận tài chính; xác định rõ và phân tách chi phí thực hiện nhiệm vụ công ích với hoạt động kinh doanh; giám sát và kiểm soát rủi ro tài chính cũng như gánh nặng ngân sách tiềm năng của DNNN đối với nền kinh tế; thiết lập cơ chế ràng buộc giữa nhiệm vụ với ngân sách thực hiện, mức đóng góp cho ngân sách nhà nước… Ở chiều ngược lại, cần tách bạch rõ ràng nhiệm vụ chính trị, xã hội của DNNN, tránh can thiệp hoặc áp đặt DNNN phải thực hiện quá nhiều mục tiêu và nhiệm vụ phi thị trường, phi kinh tế.

Trong báo cáo, các chuyên gia của CIEM cũng kiến nghị phải thể chế hóa những yêu cầu của Nghị quyết 12-NQ/TW mà đến nay chưa làm được gồm: Tách bạch nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị - xã hội, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với DNNN; Triển khai cơ chế trả lương, thưởng theo thỏa thuận đối với Tổng Giám đốc và một số chức danh quản lý chủ chốt của DN; Thực hiện việc tách người quản lý DN khỏi chế độ viên chức, công chức; Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong DN...

Đọc thêm