Doanh nghiệp Nhà nước: Giảm sở hữu nhà nước để tăng năng lực số hóa

(PLVN) - Việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) nâng cao hiệu quả hoạt động.  Tuy nhiên, ngoài một số tập đoàn lớn của Nhà nước đã rất tích cực chuyển đổi thì phần lớn các DN có vốn nhà nước (DNNN) vẫn lúng túng với dòng chảy của cuộc CMCN 4.0…
EVN là một trong số DNNN đi đầu trong cuộc cách mạng chuyển đổi số tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
EVN là một trong số DNNN đi đầu trong cuộc cách mạng chuyển đổi số tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Vấn đề được đề cập tại Hội thảo “Mức độ sẵn sàng của DNNN trong trong cuộc CMCN 4.0: Thực trạng và kiến nghị chính sách” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) phối hợp với NBN Media tổ chức trong  khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Mức độ sẵn sàng: Thua  doanh nghiệp tư nhân

Báo cáo “Định vị DNNN trong cuộc CMCN 4.0” vừa được CIEM công bố cho thấy, ở một số DNNN quy mô lớn, mức độ ứng dụng và mức độ sẵn sàng cho công nghệ 4.0  khá cao (như Viettel. EVN, PVN…). Tuy nhiên, ở mặt bằng chung, mức độ ứng dụng công nghệ 4.0 của DN Việt Nam còn ở mức độ thấp và ở DNNN mức độ ứng dụng còn thấp hơn DN tư nhân và DN FDI. 

Đáng chú ý, khảo sát cũng cho thấy mặc dù DNNN có mức độ phổ cập máy tính và Inernet cao hơn so với DN tư nhân và DN FDI nhưng tần suất sử dụng thấp hơn. DNNN đang thua kém DN ngoài nhà nước về hiệu suất sử dụng máy tính, internet trong 9 ngành (chỉ hơn 3 ngành: Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm; Điện khí nước; Giải trí).

“Nói đến CMCN 4.0 là nói đến đổi mới sáng tạo (ĐMST), mà ĐMST là nói đến rủi ro rất cao. Điều này xét về mặt thể chế là rất bất lợi cho DNNN. DNNN không thể dám thực hiện hoạt động đầu tư vào công nghệ 4.0 vì phải bỏ ra một khoản đầu tư rất lớn, nhưng lợi ích mang lại có thể thành công hoặc không thành công và thành công có thể ở trong một giai đoạn rất dài.”- ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM phân tích.

Doanh nghiệp càng ít vốn nhà nước càng dễ đổi mới

Báo cáo của CIEM cũng chỉ ra rằng, ngoài một số DNNN có quy mô lớn đã rất chủ động, tích cực trong cuộc CMCN 4.0 thì DNNN có sở hữu nhà nước càng ít thì năng lực, trình độ và mức độ ứng dụng công nghệ 4.0 cao hơn so với DNNN được Nhà nước sở hữu tỷ lệ lớn.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong khi cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra từng ngày, từng giờ thì mức độ quan tâm của DNNN kỳ vọng sẽ cao hơn trong 5 năm tới. Cụ thể, điểm trung bình hiện trạng số hóa của DNNN hiện nay đối với DN lớn là 3,07 điểm, DN vừa là 2,46 điểm và DN nhỏ là 1, 84 điểm. Mục tiêu trong 5 năm tới điểm số này tương ứng là 4,5; 4,51 và 4,2. Đặc biệt, một số ngành có điểm số hóa thấp như: Bất động sản (1,3); Nông lâm thủy sản (1,4); Hành chính dịch vụ (1,8)…

Đáng chú ý, khi khảo sát về mức độ sử dụng, phân tích số liệu khách hàng để gia tăng hiểu biết về khách hàng thì 70% DN có nhiều hơn 50% sở hữu nhà nước cho biết “Ít hoặc không sử dụng” và chỉ có 30% có câu trả lời “Sử dụng nhiều”. Tỷ lệ này ở DN có ít hơn 50% sở hữu nhà nước có tỷ lệ tương ứng là 20% và 80%.

Tương tự với khảo sát về mức độ đáp ứng công việc của bộ phận IT, 54% DN có nhiều hơn 50% sở hữu nhà nước ở dưới mức trung bình và chỉ có 46% trên mức trung bình. Trong khi tỷ lệ này ở DN có ít hơn 50% sở hữu nhà nước tương ứng là 10% và 80%.

“Rõ ràng, khi DN có vốn nhà nước lớn thường chậm ra quyết định do những ràng buộc về cơ chế đối với DNNN.” -  ông Trịnh Đức Chiều, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (CIEM) lý giải.

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

Những bất cập về cơ chế chính sách đối với DNNN trong cuộc CMCN 4.0 được đại diện CIEM chỉ ra, đó là: Hiện vẫn thiếu văn bản pháp lý, chính sách, chiến lược khoa học công nghệ (KHCN) đặt ra mục tiêu cụ thể, định lượng cho DNNN. Ràng buộc cứng duy nhất đối với các DNNN là lập quỹ phát triển KHCN: trích 3-10% của thu nhập tính thuế.

DNNN chưa thực sự được coi là một đối tượng quan trọng trong hệ sinh thái ĐMST, chưa có quy định, chính sách ràng buộc hợp tác, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các DNNN để phát triển hệ sinh thái ĐMST; thiếu cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện đầu tư, phát triển; thiếu các giải pháp cụ thể để tái cơ cấu DNNN theo hướng thúc đẩy phát triển KHCN.

Để DNNN sẵn sàng với cuộc CMCN 4.0 nhiều chuyên gia cho rằng cùng với việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách thì cần phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, kể những ngành, lĩnh vực ưu tiên trong công nghệ 4.0.

Cụ thể, cổ phần hóa mạnh mẽ hơn các DN mà Nhà nước nắm giữ chi phối ở tất cả các ngành, lĩnh vực được ưu tiên phát triển trong công nghệ 4.0; Thu hút các cổ đông chiến lược, có năng lực công nghệ, tài chính, thương hiệu và thị phần, đặc biệt là các cổ đông nước ngoài có năng lực công nghệ 4.0; Thoái vốn triệt để ở DNNN kinh doanh bất động sản để huy động dòng vốn vào nghiên cứu, phát triển KHCN…

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 với chỉ đạo phải có cơ chế cho DNNN thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST.

Trước đó, tháng 7/2019, Bộ KH&ĐT đã trình dự thảo chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, trong đó quy định trọng trách của DNNN: DNNN chủ động, tích cực thực hiện các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ 4.0, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của DN, làm hình mẫu cho các DN khác noi theo.

Đọc thêm