Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô “kêu trời” vì Thông tư hồi tố

(PLO) - Ban hành ngày 12/8/2016 nhưng áp dụng từ ngày 1/7/2016, Thông tư 130/2016/TT–BTC của Bộ Tài chính Hướng dẫn Nghị định 100/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế (QLT) và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế (Thông tư 130)  khiến cho không ít DN nhập khẩu ô tô điêu đứng.
Hơn 20 DN kinh doanh ô tô tham dự tọa đàm về Thông tư 130 với sự tham gia của đại diện Tổng cục Thuế do VCCI tổ chức chiều 28/12
Hơn 20 DN kinh doanh ô tô tham dự tọa đàm về Thông tư 130 với sự tham gia của đại diện Tổng cục Thuế do VCCI tổ chức chiều 28/12

Doanh nghiệp bị “đánh úp”

Giám đốc Cty TNHH Thiên An Phúc , ông Nguyễn Tuấn cho biết, khi Thông tư 20 ra đời, gần như 200 DN nhập khẩu ô tô phải giải thể, đóng cửa và chỉ còn lại 20-30 DN nhập khẩu ô tô còn yêu nghề vẫn tìm cách để trụ lại. Nhưng với việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 130 có thời điểm áp dụng trước đó 42 ngày, đã khiến cho số DN này ngỡ ngàng, bàng hoàng vì có những DN bị truy thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế.

Khoản 3 Điều 2 (sửa đổi) Thông tư 130/2016/TT-BTC quy định: “Trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu ô tô trước ngày 1/7/2016 nhưng bán ra từ ngày 1/7/2016 thì khi bán ra cơ sở kinh doanh phải kê khai nộp thuế TTĐB theo mức thuế suất quy định tại Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật QLT”.

“Để nhập khẩu xe ô tô về Việt Nam tối thiểu mất 3-6 tháng mới có hàng về cảng. Khi hoàn tất các thủ tục về đăng kiểm, ấn định thuế… có những thời điểm mất tới hàng tháng, nhanh nhất mất từ 15-20 ngày. Do đó, các DN thường có lộ trình kinh doanh từ trước đó. Với tình hình xe nhập khẩu kinh doanh như vậy cộng với lộ trình hướng dẫn của Thông tư thì 100% DN không thể thực hiện được”, ông Đỗ Văn Thuật, Giám đốc Cty TNHH đầu tư Long Quang nói.

“Trước khi nhập xe, chúng tôi có hợp đồng với khách hàng, xe về trước 1/7/2016, nhưng do thủ tục hải quan, do đăng kiểm kéo dài vì có những loại xe mới ở Việt Nam chưa có, nên sau1/7/2016 mới xuất bán. Lỗi này không phải tại DN, tại sao DN bị truy thu thuế?”, Giám đốc Cty TNHH Đầu tư Gia Vũ, ông Vũ Nam Chung bức xúc. Theo DN này, không phải cá biệt một vài DN không biết mà gần như tất cả DN đều không biết có quy định này mà vẫn bị truy thu thì “oan ức quá”.

Cơ quan quản lý: Mục tiêu áp dụng thống nhất  

Giải đáp thắc mắt của DN, ông Nguyễn Hữu Tân – Vụ Phó Vụ Chính sách Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 6/4/2016, Quốc hội đã thông qua Luật số 106/2016/QH13- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật QLT nhằm tiếp tục thực hiện việc đơn giản công tác QLT trong bối cảnh hội nhập. Luật này có hiệu lực từ 1/7/2016.

“Trước khi ban hành Luật số 106, Ban soạn thảo đã có một hành trình dài chuẩn bị từ việc lấy ý kiến của Quốc hội, các ngành, các cấp thông qua các kênh trực tiếp và qua VCCI. Việc nắm bắt tìm hiểu thông tin về quy định luật là rất cần thiết đối với DN để tránh được việc chưa hiểu hoặc dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện”, ông Tân nói.

Theo Trưởng ban pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, Luật số 106 được ban hành theo cơ chế rút gọn, tức là lấy ý kiến và thông qua ngay trong 1 kỳ họp. Luật thông qua tháng 4, có hiệu lực ngay trong tháng 7 là quá gấp gáp trong khi thời gian DN đặt hàng, nhập xe về mất vài tháng, chưa kể Thông tư 130 ban hành quá chậm với những quy định bất lợi cho DN.

Đại diện Tổng cục thuế cho rằng Thông tư 130 áp dụng cho cả xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu và thời điểm áp dụng phải thống nhất với Luật 106. “Các DN cần phải hiểu rằng nhập khẩu trước 1/7/2016 thì chịu thuế suất trước đó, còn nếu bán ra từ 1/7/2016 thì các loại xe kể cả nhập khẩu và nội địa đều phải chịu thuế TTĐB như nhau. Vì vậy, Thông tư 130 trước hết phải hướng dẫn thực hiện theo Luật 106 để thống nhất, tránh việc hiểu chưa rõ sinh ra hệ quả, dẫn đến sai sót”, ông Tân giải thích.

Nhiều DN thú thật “chẳng hiểu gì”

Mặc dù rất chăm chú lắng nghe song nhiều DN thú thật “chẳng hiểu gì” . “Tôi đọc rất kỹ Luật số 106 không có chỗ nào nói xe nhập khẩu trước 1/7/2016 nhưng bán ra từ 1/7/2016 phải chịu mức thuế mới theo Luật 106”, một DN phản bác.

Vấn đề được các DN đặt ra là tại sao Luật có hiệu lực từ 1/7/2017 nhưng mãi ngày 12/8/2016 mới có thông tư hướng dẫn mà hiệu lực có từ trước đó 42 ngày? “Nếu chúng tôi biết có Thông tư 130 quy định như vậy thì đắt rẻ gì chúng tôi cũng bán trước 1/7/2016”, đại diện Cty TNHH Thiên An Phúc chất vấn. 

“Tôi vào Thư viện pháp luật đọc rất kỹ. Tất cả các Thông tư đều có hiệu lực sau 45 ngày, nhưng riêng Thông tư 130 có hiệu lực trước đó 42 ngày. Nếu nói căn cứ theo Luật  106 thì DN không thực hiện được. Nếu theo Luật thì ban hành Thông tư để làm gì?”, ý kiến một DN khác. Vị này cho biết, thời điểm 2008- 2009 DN làm ăn được, quyết định đầu tư nhà xưởng thì vấp phải Thông tư 20, chưa gượng dậy thì đến Thông tư 130: “Còn mấy chiếc xe ế nhập khẩu từ 2012- 2013, lạy lục người ta mua cho giờ phải chịu thuế theo Luật 106 thì ai mua?”.

Theo Luật sư Nguyễn Quang Anh, Cty Luật Sao Việt, vấn đề ở đây là cơ quan chức năng đã chậm ban hành văn bản, văn bản ban hành ra lại quy định hồi tố gây thiệt hại cho DN. “Theo Luật ban hành văn bản QPPL, văn bản ban hành ra có hiệu lực sau 45 ngày, nếu có quy định hồi tố thì quy định đó phải có lợi cho đối tượng áp dụng”, Luật sư này nói.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, một chính sách được ban hành phải ổn định, minh bạch và có tính dự báo, chống rủi ro chính sách cho DN, đảm bảo không có sự hồi tố và có quy định về thời gian thực hiện.

“Trên tinh thần như vậy thì Thông tư 130 là đúng tinh thần của luật, thu thuế cho nhà nước, nhằm chống thất thu thuế và gian lận thương mại, điều chỉnh hành vi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, Thông tư 130 cũng có cái chưa tạo thuận lợi cho DN nhập khẩu ô tô. Cơ quan ban hành và DN cần phải có sự cân đối hài hoà lợi ích, giãn thời gian thực hiện nhằm giúp và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN”, ông Phong đề xuất. 

Đọc thêm