Doanh nghiệp nhỏ khốn đốn vì những chi phí “ma”

(PLO) - Với hơn 5.000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về khoáng sản. Năm 2012, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng thế giới (theo USGS, 2014). Nhưng hiệu quả hoạt động, đóng góp vào nền kinh tế của các doanh nghiệp chưa tương xứng với những ưu đãi họ được hưởng từ Nhà nước.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Để làm rõ hơn vấn đề này, hôm qua (29/7), Liên minh Khoáng sản, Hội Địa chất kinh tế Việt Nam cùng Trung tâm Pan Nature đã tổ chức hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản”.

Báo cáo của các DN khai khoáng có chính xác?

Những năm gần đây, ngành khai thác khoáng sản của nước ta tăng trưởng nhanh chóng về quy mô. Hiện nay, trên cả nước có khoảng trên 170 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Tuy nhiên, các hoạt động khoáng sản chủ yếu tập trung vào 5 tập đoàn và tổng công ty lớn.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, hiện DNNN nhận được rất nhiều ưu đãi cả về chính sách cũng như nguồn lực. Nhà nước cho phép DNNN kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Tuy nhiên, ưu đãi của Nhà nước không tỷ lệ thuận với những đóng góp của các tập đoàn, DNNN trong ngành khoáng sản mà theo chiều hướng ngược lại. Vì theo tính toán, các DN này đóng góp qua việc nộp ngân sách giảm đi, không tạo thêm các việc làm mới, giá trị tài sản lại bị âm. 

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) cho biết, qua khảo sát của VCCI, kết quả kinh doanh của các DN ngành khoáng sản luôn thấp hơn so với ngành khác. Tuy nhiên, khi hỏi triển vọng mở rộng trong thời gian tới thì các DN khai thác khoáng sản lại muốn mở rộng quy mô hơn nhiều so với các DN khác. “Vậy nghi vấn báo cáo của các DN khai khoáng chính xác đến đâu?”, ông Đức đặt câu hỏi.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Doanh nhận định: “Thực tế đã cho thấy một số điểm yếu kém của các DNNN trong việc khai thác khoáng sản như: trình độ công nghệ thấp, tỷ lệ thu hồi khoáng sản chưa cao, nhiều khoáng sản phụ có hàm lượng thấp hơn chưa được chú trọng. Đặc biệt, việc công khai minh bạch thấp, trách nhiệm giải trình chưa được thực hiện, tham nhũng lãng phí rất lớn”.

Mệt mỏi với những khoản chi không chính thức

Hầu hết các chuyên gia trong ngành khai khoáng cho rằng, khoảng trống trong vấn đề khai khoáng sản là quá lớn, mặc dù Luật Khoáng sản đã ra đời được 5 năm nhưng dường như vấn đề kiểm soát, thanh tra,… chỉ chủ yếu nằm trên giấy tờ. Do vậy, để “chen chân” vào ngành khai khoáng, các DN tư nhân khá “chật vật” để duy trì hoạt động được. VCCI cho biết, có 72% DN khai khoáng thừa nhận phải dựa vào mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin tài liệu; 85% DN thừa nhận thường xuyên phải chi trả các khoản tiền không chính thức trong quá trình hoạt động (10% tổng thu nhập của DN).

Đưa dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Minh Đức cho biết, VCCI đã phỏng vấn nhiều Cty trong lĩnh vực khai khoáng rằng: làm sao các Cty biết được mỏ khoáng sản để xin vào được quy hoạch? Câu trả lời là: “Thực ra thì các sếp của mình có  mối quan hệ với cán bộ nhà nước nên mới biết”.

Ông Minh cho biết thêm, hiện tại website của Tổng cục Địa chất khoáng sản thuộc Bộ TN&MT đăng tải 38 trường hợp xin cấp phép, thăm dò khoáng sản không qua đấu giá. Nhưng điều lạ lùng, mỗi trường hợp trên lại không có thông tin về ngày đăng hay thời gian hết hạn. Ông Minh đã phải nhờ các kỹ sư quản trị mạng và biết được, tất cả 38 trường hợp trên đều đã hết hạn đăng ký từ lâu. 

Cũng theo ông Minh, hầu hết những mỏ công khai đăng ký đấu giá trên trang web của Bộ TN&MT đều là những mỏ nghèo về trữ lượng, còn những mỏ giàu trữ lượng lại không đưa vào đấu giá và sẽ phân bổ.

Trung ương đã vậy,  tại các địa phương, tình trạng trên còn bết bát hơn. “Hiện tại không có địa phương đăng thông tin về khai thác các mỏ. Vì thế người dân không thể biết được việc khai thác khoáng sản của Cty trên địa bàn có được cấp phép hay không. Sự giám sát của người dân là không có trong việc khai thác khoáng sản”, ông Minh nói.

Theo các chuyên gia, để tăng khai khoáng hiệu quả và phát triển bền vững trong thời gian tới thì ngoài việc Nhà nước củng cố thực thi luật, thanh, kiểm tra và xây dựng luật sát thực tế thì Chính phủ cần nhanh chóng tuyên bố thực thi EITI. Từ đó, EITI sẽ giúp Chính phủ tăng cường minh bạch và cải cách công tác quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả thu ngân sách và giải quyết nhiều bất cập khác của ngành khai khoáng./.

Đọc thêm