Doanh nghiệp nhỏ không “lớn” được vì chính sách nhiều chiều

(PLO) -  “Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là “động lực tăng trưởng”, “xương sống” của nền kinh tế, là động cơ, động lực tạo ra sự sáng tạo và phát triển kinh tế nên cần Luật Hỗ trợ DNNVV” – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhận xét.
Luật Hỗ trợ DNNVV là để các DN này có cơ hội tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực
Luật Hỗ trợ DNNVV là để các DN này có cơ hội tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực

Luật là để các DN này có cơ hội tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực, thúc đẩy sự cạnh tranh của các DN, tạo khung pháp lý để huy động khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ DNNVV.

Luật cần giúp DN tích lũy

Hiện dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV xác định chính sách hỗ trợ các DNNVV qua Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ DNNVV. Nhưng bà Gloria Steele – Phó Tổng Giám đốc phụ trách châu Á USAID cho rằng, vẫn cần nhiều cơ chế hỗ trợ hơn nữa cho các DNNVV.

Cụ thể như tăng cường sự tham gia của DNNVV vào quá trình đấu thầu, mua sắm công, đăng ký các hộ kinh doanh cá thể thành DN mới, tạo cơ hội cho DNNVV tạo thêm công việc, nhất là cho lao động nữ…

Băn khoăn Luật đã đáp ứng được mọi mong muốn của các DNNVV hay chưa, TS.Nguyễn Mại đề nghị cần phân biệt khi áp dụng các chính sách hỗ trợ đối với DNNVV và DN siêu nhỏ vì “không cần hỗ trợ nhiều cho DN vừa như đối với DN siêu nhỏ”.

Đồng thời, TS. Nguyễn Mại thấy cần điều tra về khó khăn của DNN và DN siêu nhỏ để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Theo thống kê, DN siêu nhỏ chiếm 80% tổng số DNNVV.

Theo số vốn đăng ký trung bình 9 tháng đầu năm là 7,5 tỷ đồng/DN thì DN siêu nhỏ Việt Nam tiềm lực còn yếu. Số liệu thống kê năm 2005-2014 cho thấy, tiềm lực trung bình của loại hình DN này “ngày càng kém”.

TS.Nguyễn Mại chỉ ra nguyên nhân là vì chính sách nhà nước chưa có “theo một hướng” để tích lũy ban đầu của DNN và DN siêu nhỏ có thể ngày càng lớn, nâng dần quy mô cho DN Việt Nam.
TS.Nguyễn Mại chỉ ra nguyên nhân là vì chính sách nhà nước chưa có “theo một hướng” để tích lũy ban đầu của DNN và DN siêu nhỏ có thể ngày càng lớn, nâng dần quy mô cho DN Việt Nam.

Tích lũy vốn ban đầu của DN phụ thuộc vào 2 nguồn lực: đất đai và vốn. Song hiện nay, đa số DN phải đi thuê nhà xưởng, chỉ có một số công cụ lao động và một số lao động (khoảng 10-100 người).

Bên cạnh đó, DNNVV đang rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng vì quy định về thế chấp tài sản, dù phần lớn nợ xấu chủ yếu là của các DN “đại gia”. DNN, nhất là DN siêu nhỏ, không có bất động sản để thế chấp hoặc nếu có thì chỉ có thể thế chấp một lần, không đủ để có nguồn vốn.

Vì vậy, “cần mở rộng thế chấp bằng động sản (chứng  từ mua bán, các khoản phải thu, phải trả, sở hữu trí tuệ, thương quyền…) đối với DNN và siêu nhỏ” – TS.Nguyễn Mại đề xuất.

Thậm chí ông đã dẫn ý kiến của một chuyên gia tài chính quốc tế đã từng cảnh báo Ngân hàng Nhà nước: “Nếu không cứu DNN và siêu nhỏ bằng quy định thế chấp động sản  thì các DN này không thể lớn lên được”.

Ngân hàng cần “cộng sinh” với DNNVV

Trăn trở với sự lớn mạnh của DNNVV, TS.Nguyễn Mại nhấn mạnh, Luật cần giúp DN tích lũy. Nếu không giải quyết được bài toán thuế và tín dụng ngân hàng thì không thể làm DNN và siêu nhỏ “lớn” lên được.

Đồng thời, cần có quan điểm tổng thể về thuế để có hệ thống thuế riêng cho DNNVV để các DN mới thành lập từ năm 2016, sau 5 năm tăng quy mô lên 2-3 lần mới có hệ thống DN đủ mạnh đương đầu với các thách  thức trong thời kỳ hội nhập.

Song từ gốc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Phạm Thị Điểm – Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) lý giải, thế chấp bằng động sản hay bất động sản có quy định cụ  thể trong các văn bản pháp luật.

Hơn nữa, nhận thế chấp bằng loại tài sản nào là do các tổ chức tín dụng quyết định để đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh, không cơ quan nào được can thiệp theo quy định của Luật tổ chức tín dụng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh, mối quan hệ giữa ngân hàng và DNNVV là “cộng sinh”, không phải là mối quan hệ “xin cho”. Ngân hàng được quyền huy động vốn của xã hội nên có trách nhiệm cấp lại vốn cho xã hội, nuôi dưỡng nguồn vốn đó để sinh lãi thông qua các gói tín dụng phù hợp với các DNNVV.

Hiện ngân hàng còn nhiều quy định “bảo thủ” để không rơi vào quy định của BLHS về “vi phạm quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng”.

Do đó, trong dự thảo Luật bổ sung 7 hành vi được loại trừ khỏi hành vi vi phạm pháp luật hình sự để bảo vệ các cán bộ ngân hàng, các khách hàng… mà Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét là “một quy định mới có tính cách mạng” trong dự thảo.

Đồng thời, Nhà nước cũng có chính sách ưu đãi cho các khu công nghiệp để tạo điều kiện cho DNNVV “vào được”. Theo đó, mỗi khu công nghiệp cần dành tối thiểu 30% diện tích cho các DNNVV.

“Đây là giải pháp để tổ chức lại không gian, không thể sản xuất “ở lẫn” với khu dân cư dẫn đến những hậu quả như vụ cưa bom ở Hà Đông…” – Thứ trưởng Đặng Huy Đông giải thích.

Thực tế DNNVV đang bị đối xử không công bằng như trường hợp lãnh đạo một tỉnh gần Hà Nội đã tuyên bố khu công nghiệp của tỉnh “chỉ dành nhà đầu tư Hàn Quốc, không cho DN Việt Nam”.

Do vậy, các khu công nghiệp làm được các chính sách này là đóng góp cho xã hội chứ không phải chỉ vì DNNVV. 

Việt Nam hiện có 97% DN là DNNVV. Các DNNVV sử dụng tới hơn 50% lực lượng lao động và đóng góp hơn 40% GDP và ngân sách nhà nước, Quy mô vốn bình quân của DNNVV là 10,5 tỷ USD. Nếu đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động thì sẽ có thêm 5.500 tỷ đồng được đưa vào sản xuất, kinh doanh (tương đương 35 tỷ USD/năm), tăng gấp 2 khu vực FDI.

(Nguồn: Hội thảo báo chí về dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Hà Nội sáng nay (19/10)

Đọc thêm