Doanh nghiệp tập "đi trên dây"

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp duy trì được sự sống còn đã khó chưa nói đến việc phát triển sản xuất kinh doanh. Một chủ doanh nghiệp ví von, thời điểm hiện tại giới doanh nhân như ông xứng đáng được gọi là nghệ sĩ xiếc giữ thăng bằng trên dây.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp duy trì được sự sống còn đã khó chưa nói đến việc phát triển sản xuất kinh doanh. Một chủ doanh nghiệp ví von, thời điểm hiện tại giới doanh nhân như ông xứng đáng được gọi là nghệ sĩ xiếc giữ thăng bằng trên dây.

Lạm phát khó ghìm

Tại diễn đàn kinh doanh lần thứ II vừa được tổ chức tại TP.HCM ngày 21/4 với chủ đề “Làm ăn trong thời kỳ nhiều biến động”, TS.Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (thành viên Nhóm chuyên gia kinh tế của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) dự báo: sự phục hồi kinh tế Việt Nam hiện nay không chắc chắn và có hướng chững lại.

Theo TS.Anh, nếu tính một cách thận trọng, CPI tháng 4/2011 sẽ tăng 14% so với tháng 4/2010. Điều này có nghĩa chúng ta đã… hoàn thành kế hoạch CPI cả năm 2011 ngay trong tháng 4! Một số nhóm hàng có tác động mạnh đến toàn nền kinh tế dân sinh là lương thực (17%), thực phẩm (20%), giáo dục (25%). Nếu tính trong khu vực Đông Á, CPI của Việt Nam hiện đang dẫn đầu.

Bên cạnh đó, lãi suất cao nên các doanh nghiệp khó có thể có lãi nếu làm ăn không suôn sẽ, chính sự rủi ro này ảnh hưởng đến sự phục hồi nền kinh tế. Ngoài ra, có nhiều yếu tố khác.

Doanh nghiệp tập "đi trên dây" ảnh 1
Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: sgtt.vn

Ông Anh nhận định nền kinh tế Việt Nam năm 2011 sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng từ 6-6.5%, thấp hơn kế hoạch 7-8% của Chính phủ đề ra, đồng thời tỷ lệ lạm phát trong năm nay cũng sẽ vượt con số 13%, gần gấp đôi mục tiêu 7% như đã đề ra."Thắt lưng buộc bụng"

“Doanh nghiệp cần quan tâm chú trọng về đội ngũ nhân lực, phải tăng thu, giảm chi; phải biết quan tâm tới khách hàng một cách tốt nhất để giữ mối làm ăn khi kinh tế ổn định trở lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tổ chức bộ máy tinh gọn…", TS. Trần Sĩ Chương, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh tại diễn đàn.

Trong thời buổi kinh tế khó khăn,  hơn ai hết chính doanh nghiệp phải tự cứu mình trước. Lời khuyên thì nhiều mà nói thì dễ nhưng làm thì khó.

Chia sẻ về kinh nghiệm vượt qua khó khăn - ông Lý Ngọc Minh - Giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long ở Bình Dương nói: “Với đặc thù của ngành gốm sứ tiêu tốn một nguồn năng lượng rất lớn, đặc biệt là gas. Trước đây chúng tôi cứ phải trải qua 3 lần nung thì mới có một mẻ sản phẩm gốm sứ có chất lượng tốt, nhưng lại tiêu tốn quá nhiều nhiên liệu, vì thế mang lại hiệu quả không cao. Với quyết tâm giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm nên suốt một thời gian dài mày mò nghiên cứu, gốm sứ Minh Long đã có phương án giảm một lần nung, nhưng chất lượng sản phẩm vẫn không hề giảm”.


“Cuộc chiến” giữ người

Một vấn đề đặc biệt quan trọng theo ông Minh đó chính là phải làm sao cho người lao động gắn bó lâu dài với mình, phải để họ làm chủ  thì họ mới có trách nhiệm cao trong công việc. Muốn như vậy thì doanh nghiệp cần phải có nhiều chính sách đãi ngộ người lao động. “Cuộc chiến” tranh giành lao động diễn ra quyết liệt từ một góc độ khác có thể lại là một dấu hiện đáng mừng.  Trong mấy tháng đầu năm, dù rất khó khăn về tài chính, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tiến hành tăng lương vài ba lần cho công nhân. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp vẫn không có đủ công nhân để sản xuất.

Ngoài ra, để vượt qua khó khăn thì các doanh nghiệp cần cắt giảm những dự án không hiệu quả để tập trung vào những mục tiêu cụ thể có triển vọng. Thay đổi mẫu mã, đối tượng khách hàng, thị trường mới, gần gũi và bình dân hơn cũng rất quan trọng. Thay vì sản xuất những sản phẩm cao cấp như trước đây, thì nay tạo ra những sản phẩm bình dân hơn, phù hợp hơn với túi tiền của người tiêu dùng trong thời buổi lạm phát.

Ông Nguyễn Văn Đực- Giám đốc công ty Đất Lành chia sẻ: “Với mức giá chỉ khoảng 700 triệu đồng/căn hộ nên chúng tôi rất dễ bán hàng. Thay vì mình xây diện tích lớn, nguyên vật liệu cao cấp thì giá căn hộ sẽ đội lên cao khiến người mua cũng e ngại, vì không phải ai cũng có đủ tài chính để mua. Chính điều đó nên công ty Đất Lành đã tiến hành giảm thiểu các khoản chi phí không đáng có và quán triệt cái gì mình làm được thì không qua trung gian, không thuê mướn mà tự tay làm để đem lại hiệu quả cao nhất…”

Ngọc Quý
 

Đọc thêm