Doanh nghiệp Thái Lan đang đổ bộ vào Việt Nam

(PLO) - Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cảnh báo: “Trong tương lai, hàng Thái Lan sẽ  lấn át hàng Việt nếu như các doanh nghiệp Việt không nhanh nhạy xây dựng hệ thống bán lẻ, phân phối, nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Hàng Thái với những chính sách ưu đãi về giá, sản phẩm đa dạng, có thương hiệu nên dễ dàng được đông đảo người dân tin dùng. Ảnh: Hướng Dương
Hàng Thái với những chính sách ưu đãi về giá, sản phẩm đa dạng, có thương hiệu nên dễ dàng được đông đảo người dân tin dùng. Ảnh: Hướng Dương
Tìm mọi cách tiếp cận thị trường Việt Nam
Tại hội chợ bán lẻ hàng hóa Thái Lan, Tham tán thương mại Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam, bà Busaba Butrat cho rằng Việt Nam là một thị trường trẻ, năng động với khoảng hơn 90 triệu dân có khả năng chi trả tiêu dùng lớn, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan. Thực phẩm và đồ gia dụng là hai mặt hàng của Thái Lan rất được ưa chuộng tại Việt Nam. 
Theo bà Busaba Butrat, trong suốt 12 năm qua, các doanh nghiệp Thái Lan phối hợp với đại sứ quán Thái Lan đã liên tục tổ chức các hội thảo, triển lãm, hội chợ tiêu dùng để hàng Thái đến gần hơn với người tiêu dùng đồng thời tìm kiếm thị trường tiềm năng để mở rộng đầu tư. Bà Busaba Butrat còn tin tưởng với đà phát triển hiện tại tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của song phương hai nước sẽ tăng lên 15 tỷ USD vào năm 2020 tới.
Trên thực tế, các doanh nghiệp Thái Lan đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng từ lâu bởi có rất nhiều doanh nghiệp Thái đã có quan hệ hợp tác song phương với doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức góp vốn đầu tư. Hiện có khoảng 250 doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trong đó miền Nam có 80 doanh nghiệp, miền Bắc 15 doanh nghiệp.
Nhìn vào chiến lược mở rộng thị trường một cách bài bản ở Việt Nam có thể dễ dàng nhận thấy những bước đi được tính toán kĩ lưỡng của doanh nghiệp Thái. Minh chứng là trong thời gian gần đây các doanh nghiệp Thái đã liên tục tham gia các hội thảo, triển lãm, xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm sâu rộng đến người tiêu dùng Việt. 
Qua các hoạt động này, các doanh nghiệp Thái không đặt nặng vấn đề sẽ kí được bao nhiêu hợp đồng, doanh thu bán hàng là bao nhiêu mà chủ yếu khảo sát xem thị hiếu của người tiêu dùng để đặt các đại lí bán lẻ hợp lí. Từ đó đẩy mạnh hơn nữa 3 tiêu chí vốn có của hàng Thái: chất lượng, mẫu mã và đa chủng loại.
Mở siêu thị bán lẻ hàng hóa là một xu hướng mới khẳng định vị thế của các đại gia Thái Lan tại thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam. 
Cảnh mua bán tại hội chợ bán lẻ hàng Thái Lan tại Hà Nội. Ảnh: Hướng Dương
 Cảnh mua bán tại hội chợ bán lẻ hàng Thái Lan tại Hà Nội. Ảnh: Hướng Dương
Năm 2013, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC), thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, đã mua lại 65% cổ phần trong hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam trong liên doanh với Tập đoàn Phú Thái.  Berli Jucker đặt mục tiêu năm nay sẽ có thêm khoảng 100 cửa hàng B’smart, và đến năm 2015 nâng tổng số cửa hàng lên tới 300.
Về phía tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Group cũng đang gấp rút chuẩn bị khai trương chuỗi siêu thị Robinsons Department Store ở Hà Nội trong tháng Ba này. Theo thông tin nhận được, chuỗi siêu thị này sẽ được đặt tại trung tâm thương mại Royal City với diện tích 10.000 m2. Dự kiến cuối năm 2014, Central Group sẽ tiếp tục cho mắt chuỗi siêu thị tại TP.HCM cần tới 1000 công nhân làm việc.
Như vậy, có thể thấy rõ, các tập đoàn đa ngành lớn của Thái Lan đang tìm mọi cách, tận dụng mọi cơ hội để xâm nhập vào một thị trường tiềm năng như Việt Nam. 
Doanh nghiệp Thái tăng cường tại Việt Nam
Trên thực tế, hàng Thái Lan đã khẳng định được chất lượng, uy tín từ lâu tại thị trường Việt. Tuy nhiên, có ba yếu tố dẫn tới việc các đại gia Thái Lan đổ bộ vào Việt Nam kinh doanh là quy mô thị trường cùng với sự kỳ vọng sức mua tăng và thị trường Việt Nam dễ tiếp cận các thị trường khác trong khu vực.
Tập đoàn Siam Cement Group (SCG), cho biết Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm mà tập đoàn này đang phân phối và kinh doanh như giấy gói, hóa dầu, xi măng, vật liệu xây dựng. Hiện SCG đã có 17 công ty đăng ký tại Việt Nam, với tổng giá trị tài sản lên tới 11 tỷ baht. Công ty Vina Kraft (một chi nhánh của SCG) đang đầu tự mạnh để nâng sản lượng từ 200.000 tấn lên 250.000 tấn.
Tập đoàn Charoen Pokphan Thái Lan vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư và tin tưởng vào sức mua của thị trường 90 triệu dân này. Theo dự kiến sẽ mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà máy chế biến thực phẩm nhằm xây dựng một thương hiệu vững mạnh tại Việt Nam. Có mặt ở VN được hơn 5 năm,  doanh thu của Charoen Pokphan Việt Nam đã tăng trung bình 29%/năm. 
Ngân hàng Băng Cốc (Bangkok Bank)- một ngân hàng thương mại lớn nhất Thái Lan đã được gia hạn hoạt động thêm 99 năm tại Việt Nam.  Ngân hàng này chủ yếu phục vụ khách hàng Thái Lan đầu tư tại Việt Nam và một số nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Trong thời gian tới, ngân hàng tiếp tục cho vay và hỗ trợ các dự án, xây dựng các nhà máy của người Thái ở Việt Nam.
Sự "bành trướng" của các đại gia Thái Lan không chỉ về ngành bán lẻ, ngân hàng, đồ gia dụng mà gần đây còn mở rộng đầu tư sang ngành hóa dầu, khai thác dầu khí, vật liệu xây dựng, công nghiệp thời trang…

Đọc thêm