Doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, thời gian xử lý hồ sơ mở mới rút ngắn

(PLO) - Sau hơn một năm thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, cả nước đã có hơn 105.975 doanh nghiệp (DN) được thành lập mới, với số vốn 767.900 tỷ đồng, bình quân vốn là 7,25 tỷ đồng/DN.
Doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, thời gian xử lý hồ sơ mở mới rút ngắn

Chia sẻ tại Hội thảo tổng kết một năm thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư diễn ra ngày 20/9 tại Hà Nội, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ KH&ĐT cho biết số DN thành lập mới tăng 27,8%, so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có thêm 54.501 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 427.762 tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, sự thay đổi đáng kể nhất là ở thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh ở các địa phương. Trung bình thời gian xử lý hồ sơ mới thành lập của cả nước là 2,9 ngày; Hà Tĩnh là địa phương xử lý hồ sơ DN nhanh nhất 1 ngày; Tiền Giang 1,3 ngày; Hậu Giang là 1,32 ngày và Đà Nẵng là 2,52 ngày. Trong đó, 93% được chấp nhận ngay từ lần đầu tiên, giúp DN tối đa hóa chi phí...

Nhận định về những khó khăn vướng mắc sau 1 năm triển khai thực hiện 2 Luật, đánh giá chung tại Hội nghị cho rằng, phần lớn các khó khăn vướng mắc phát sinh là do sự thiếu nhất quán, đồng bộ giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư.

Đây cũng là lý do giải thích tại sao việc sửa đổi các luật chuyên ngành cũng như nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật về đầu tư, kinh doanh nhằm khắc phục những điểm còn chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành cần được đẩy nhanh.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cần thống nhất thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp, không phân biệt loại hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư.

Thực tế cho thấy một số hoạt động kinh doanh: chứng khoán, bảo hiểm, giám định tư pháp, luật sư, công chứng,… hoạt động dưới các hình thức DN theo Luật doanh nghiệp; nhưng lại thực hiện thủ tục đăng ký DN theo quy định riêng và tại cơ quan khác, trong đó Giấy phép hoạt động là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp .

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT) Quách Ngọc Tuấn cho biết, đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dự kiến sắp tới sẽ bãi bỏ 50 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hoặc trùng lặp với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khác; chuẩn hóa tên gọi của 29 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và bổ sung 14 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tổng số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ còn 231 ngành, nghề, giảm 36 ngành, nghề so với Danh mục hiện hành.

Đọc thêm