Doanh nghiệp thua lỗ nhưng thương hiệu “vẫn được giá”

(PLO) - Nhà nước sẽ không quy định phương pháp định giá thương hiệu, không khống chế chi phí trong việc xác định giá trị thương hiệu ở các doanh nghiệp có vốn của nhà nước trong quá trình định giá doanh nghiệp. 
Doanh nghiệp thua lỗ nhưng thương hiệu “vẫn được giá”

Đó là những thông tin mới được ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đưa ra trong Hội thảo Xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu doanh nghiệp, được tổ chức hôm 4/7.

Khó định giá thương hiệu khi góp vốn

Hiện nay, cổ phần hóa các công ty nhà nước đang có nhiều vấn đề cần phải đề cập, đặc biệt là những hoạt động định giá cần phải cẩn thận, xem xét kỹ càng để các cổ đông có thể tiến hành mua bán minh bạch. Bản thân giá trị thương hiệu là một tài sản lớn, các doanh nghiệp nước ngoài luôn sẵn sàng trả giá xứng đáng để sở hữu và tham gia góp vốn vào các thương hiệu lớn. 

Ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc MIBrand, đại lý trong nước của Brand Finance, khẳng định, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không được định giá cẩn thận sẽ dẫn đến thiệt thòi rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn của nhà nước. Ông Mạnh nhấn mạnh rằng, trước mỗi bước tiến hành cổ phần hóa, chúng ta nên có những bước định giá giá trị tài sản vô hình để tăng nguồn thu cho nhà nước. 

Đây cũng là vấn đề được đề cập đến rất nhiều trong thời gian vừa qua. Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết, có nhiều cơ sở pháp lý khác nhau để tiến hành định giá doanh nghiệp, bản thân Bộ Tài chính cũng trao đổi nhiều cùng các cơ quan liên quan nhưng thấy xác định như thế nào là rất khó. 

Hiện nay, đang xảy ra hiện tượng, nhiều doanh nghiệp góp vốn theo hướng sau khi có quyền sở hữu trí tuệ với tên thương mại hoặc nhãn hiệu, chủ sở hữu thương hiệu sẽ mang tên thương hiệu ra để góp vốn. Từ hiện tượng này sẽ dẫn đến chuyện, nếu một doanh nghiệp có sản phẩm mang đi góp thì tên thương mại gắn liền với pháp nhân đó sẽ lựa chọn giữa chuyện từ bỏ quyền đối với tên thương mại ấy hay chỉ cho thuê trong thời gian bao lâu, dưới hình thức hợp đồng góp vốn như trường hợp của FAFILM đã từng xảy ra. 

Tuy nhiên, một lưu ý cũng được đưa ra là tất cả các tên thương hiệu phải được pháp luật bảo hộ, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, sau đấy mới được tính đến như một giá trị để định giá và tiến hành mua bán.

Ông Tiến khẳng định: “Sẽ giao hết cho các công ty tư vấn có chức năng trong định giá tài sản để đảm bảo đúng thông lệ quốc tế trong định giá doanh nghiệp, thương hiệu”. Đồng thời, ông Tiến cũng khẳng định, nhà nước sẽ không khống chế chi phí bỏ ra để định giá doanh nghiệp trong quá trình định giá, cổ phẩn hóa doanh nghiệp. 

Như vậy, có thể hiểu rằng, luật pháp đang quy định rất mở cho chuyện định giá thương hiệu; nhà nước không ép buộc các doanh nghiệp phải tính theo phương pháp nào mà để cho các doanh nghiệp tự định đoạt phương thức chính xác nhất, có lợi nhất cho doanh nghiệp của mình, nhất là phần chi phí định giá “bởi nếu các doanh nghiệp chi phí định giá cao có thể sẽ có giá trị thị trường lớn, do vậy, trừ đi thì giá trị thật sự doanh nghiệp vẫn được đảm bảo” – ông Tiến khẳng định. 

Tuy nhiên, ông Vũ An Khang - Giám đốc Công ty CP định giá và tài chính Việt Nam lại cho rằng, định giá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mà giao hết cho đơn vị tư vấn định giá thương hiệu thì sẽ rất khó khăn. Có thể doanh nghiệp này sẽ tham khảo ở 2 đơn vị tư vấn, thẩm định và nhiều khả năng sẽ đưa lại những kết quả chênh lệch nhau.

Tài sản vô hình của doanh nghiệp chiếm 47%

Một thông tin bất ngờ được ông Simir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á đưa ra trong buổi hội thảo. Theo ông Simir Dixit, một khía cạnh quan trọng về giá trị thương hiệu, kể cả những doanh nghiệp làm ăn chưa có lãi, doanh số sụt giảm, thị trường chưa ổn định thì giá trị thương hiệu vẫn là con số dương. Bởi tất cả các tài sản công ty đều khấu hao, trừ thương hiệu. Trường hợp Công ty Le man là một ví dụ. 

Ông Simir Dixit cho biết, Leman là một công ty đã phá sản, không còn giá trị thương mại nhưng nếu ai muốn sở hữu tên công ty này vẫn phải trả một khoản tiền khá lớn. Đây cũng là một dẫn chứng cho việc tài sản vô hình có giá trị như thế nào trong định giá thương hiệu. Theo thống kê, trên thế giới, 47% các giá trị công ty trên thế giới là tài sản vô hình. 

Với những công ty chưa lên sàn chứng khoán, giá trị doanh nghiệp sẽ được tính bằng tổng số tài sản chưa có giá trị vốn hóa, tài sản hữu hình và phải cộng thêm 25% nữa mới chính xác. “Việc đầu tư vào tài sản vô hình mang lại giá trị cao hơn nhiều so với tài sản hữu hình”, ông Simir Dixit khẳng định.

Trong tài sản vô hình, ngoài các hạng mục được bảo hộ sở hữu trí tuệ, còn một nhân tố rất quan trọng mà các doanh nghiệp cần phải để ý đến trong quá trình định giá doanh nghiệp, đó chính là chỉ số sức mạnh quản trị. Ông Simir Dixit thông tin, đa phần mọi người mới chỉ chú ý đến chỉ số sức mạnh thương hiệu và không có nhiều người quan tâm đến chỉ số sức mạnh quản trị. Trong khi đó, chỉ số sức mạnh quản trị quyết định 10-15% tổng số giá trị thương hiệu mà chúng ta có. 

Ví dụ như thương hiệu Vietel, trong tổng giá trị thương hiệu gần 2 tỷ USD, thì 300 triệu USD là đóng góp của việc họ quản trị như thế nào, bởi nếu không quản trị tốt sẽ gặp rất nhiều rủi ro về thị trường, pháp lý, vốn… Tất cả những chỉ số này sẽ nằm trong quá trình tính toán giá trị thương hiệu, do đó các doanh nghiệp cần phải lưu ý rất lớn đến chỉ số thường bị lãng quên này. 

Đọc thêm