Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư sang châu Âu sau EVFTA

(PLVN)  - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Hoàng Quang Phòng khẳng định cơ hội cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận thị trường Châu Âu là rất lớn khi Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết.
Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư sang châu Âu sau EVFTA

Phát biểu trước các DN, các nhà đầu tư tại Hội thảo “Thị trường châu Âu sau EVFTA: Cơ hội Kinh doanh & Xu hướng đầu tư cho tương lai” do VCCI phối hợp với Tập đoàn Karma tổ chức sáng nay, 16/11, Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng đã nhấn mạnh đến những cơ hội và lợi ích to lớn cho kinh tế Việt Nam sau khi EVFTA)được ký kết. 

Theo đại diện VCCI, đây sẽ cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Với những DN chưa từng tiếp cận thị trường này thì EVFTA chính là cơ hội để DN vươn ra thị trường EU – một thị trường rộng lớn với các đối tác EU có độ tin cậy cao. 

Đại diện Bộ Công Thương, bà Hoàng Ngọc Oanh (Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại) cho biết, dự kiến sau EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 20% vào năm 2020, tăng 42,7% vào năm 2025 và tăng 44,37% vào năm 2030. Theo đó, GDP của Việt Nam cũng sẽ tăng từ 2,18 – 3,25% giai đoạn 2019-2023 lên 7,07-7,72% giai đoạn 2029-2033. 

Là hiệp định thế hệ mới, EVFTA bao gồm cả những điều khoản về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do đầu tư và phát triển bền vững. Song song với EVFTA, những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và EU sẽ gia tăng đáng kể.

Sản lượng, xuất khẩu của các ngành nghề trong nền kinh tế như các ngành hàng hóa: thực phẩm chế biến (đặc biệt là thủy sản), gạo, rau củ, trái cây, các loại hạt, điện tử, máy móc thiết bị, một số ngành chế tạo khác và các ngành dịch vụ: dịch vụ hàng không, dịch vụ chuyên môn, viễn thông, vận tải biển… sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. 

Cũng theo bà Oanh, với những cam kết trong EVFTA như loại bỏ thuế quan, giảm hàng rào phi thuế, cải thiện môi trường kinh doanh, thuận lợi thương mại, tăng cường công nhận lẫn nhau về các tiêu chuẩn, thúc đẩy đầu tư, một số ngành như dệt may, chế biến thực phẩm, ôtô sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản. Dẫn chứng đầu tư vào Quốc đảo Síp, đại diện của Tập đoàn Karma – The V-AGG, một DN hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư tài chính, di trú và du họ cho biết, đây không chỉ là quốc gia có vị trí chiến lược thuận lợi khi là điểm giao thoa của ba châu lục Á - Âu - Phi, là cửa ngõ đầu tư vào Liên Minh Châu Âu và khu vực Trung Đông, mà Quốc đảo Síp là một trong những nước phát triển nhất trong khu vực Địa Trung Hải, thực hiện chính sách kinh tế thị trường tự do.

“Síp là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, khung pháp lý và pháp chế đáng tin cậy, hệ thống thuế ổn định cùng các điều kiện an toàn và ổn định hiện hành tại quốc gia này. Chương trình đầu tư vào Síp (CIP) đã được chứng minh là rất phổ biến trong giới doanh nhân và những người có thu nhập cao trên toàn thế giới. Chương trình áp dụng các sáng kiến và tiêu chí cụ thể và rất dễ thực hiện…”, Đại diện Tập đoàn Karma giới thiệu.

Đặc biệt, Chương trình Đầu tư – Định cư – Nhập quốc tịch Cộng hòa Síp (ban hành vào tháng 8/2012) cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được nhận quyền công dân của Cộng hòa Síp khi đầu tư vào bất động sản với giá trị tối thiểu 300,000Euro của đảo quốc này. Điểm nổi bật của chương trình Đầu từ và định cư tại Đảo Síp là thủ tục đơn giản thời gian xét duyệt nhanh chóng, chứng minh tài chính dễ, chi phí đầu tư hợp lý…

Theo Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng, về phía DN, bên cạnh yếu tố tài chính, điều quan trọng là các DN cần phải có tầm nhìn toàn diện hơn, chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin về các thị trường mới. Đồng thời, phải định vị thị trường của mình trong bối cảnh hội nhập, tái cấu trúc việc quản trị và công nghệ để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, xác lập được một hệ thống phòng ngừa rủi ro.

Tại Hội thảo, các DN và các nhà đầu tư đã có cơ hội gặp gỡ, đối thoại trực tiếp và nhận tư vấn từ các diễn giả và chuyên gia để tìm hiểu về các cơ hội đầu tư tại châu Âu.

Đọc thêm