Doanh nghiệp vẫn bị thủ tục hành chính “làm khó”

(PLO) - Trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thống kê 274 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận và chuyển các cơ quan theo thẩm quyền xử lý; tập hợp 182 kiến nghị của các Hiệp hội DN và DN. Đáng chú ý, trong số đó, nhiều kiến nghị lên quan đến thủ tục hành chính (TTHC).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt DN tại Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2016
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt DN tại Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2016

Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham) và Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) tiếp tục đưa ra các kiến nghị  cải cách về TTHC và khắc phục các yếu kém trong quản lý liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan.

Cụ thể, VBF đề nghị tăng cường trách nhiệm của các cơ quan thuế trong việc trả lời những câu hỏi về thuế của đối tượng nộp thuế (ĐTNT), cơ quan thuế nên trả lời một cách thẳng thắn về những mối quan tâm của ĐTNT để các ĐTNT có thể áp dụng chính sách thuế đúng cách… VBF cũng cho rằng đang có nhiều trở ngại và quá trình cấp phép gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam và đề nghị cần có thêm hướng dẫn từ các cơ quan quản lý Việt Nam, ban hành các quy định để loại bỏ những trở ngại đó và đơn giản hóa quá trình cấp phép. 

Hiệp hội DN quận Hải An (TP Hải Phòng) đề nghị Chính phủ tăng cường kiểm tra, giám sát các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách TTHC liên quan đến hoạt động của DN, sao cho thủ tục giấy tờ được nhanh chóng, kịp thời, nhất là đối với những lĩnh vực đang có nhiều bức xúc…

Vấn đề thanh tra, kiểm tra DN vẫn là điểm nóng khi nhiều DN, Hiệp hội DN đề nghị triển khai thực hiện nghiêm túc và chấn chính công tác thanh tra, kiểm tra DN. Thanh tra, kiểm tra DN phải đúng quy trình, thủ tục quy định; bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, tránh tình trạng gây khó khăn, nhũng nhiễu, phiền hà đối với DN.

Hiệp hội DN khoáng sản và địa chất Việt Nam cho biết, hàng năm DN phải tiếp rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra. Đơn cử, trong năm 2016, Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Việt Nam được 4 đoàn tới thanh, kiểm tra với nội dung gần như nhau. Nội dung thanh tra là theo các quy định của pháp luật và các văn bản pháp lý liên quan đến các hoạt động từ khi có dự án mà không giới hạn thời gian những năm trước đã kiểm tra gây khó khăn cho DN…

2.000 đại biểu dự Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2017

Thông tin này được ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển và đổi mới DN – đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2017 do VPCP tổ chức chiều qua (8/5). 

Hội nghị sẽ diễn ra trong 1 ngày (17/5) với chủ đề “Đồng hành cùng DN”, với khoảng 2.000 người sẽ dự trực tiếp Hội nghị, trong đó có khoảng 1.500 người là đại diện các DN tư nhân; khoảng 200 đại biểu từ các DN FDI, đại diện cơ quan ngoại giao…. Ngoài ra, tại 63 tỉnh, thành phố dự kiến cũng sẽ có khoảng 50 đến 100 đại biểu là lãnh đạo địa phương và DN ở mỗi đầu cầu tham gia họp trực tuyến.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, DN đánh giá kết quả kinh doanh có khởi sắc hơn so với năm 2015, niềm tin của DN vào triển vọng kinh doanh cũng tốt hơn so với năm 2015. Theo đăng ký của các địa phương thì năm 2020 chúng ta có 1,4 triệu DN, nếu diễn biến kinh tế trong nước thuận lợi thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được kỳ vọng thực hiện được mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020.

Về kiến nghị của DN đối với Chính phủ, theo ông Lộc, phần lớn các kiến nghị nêu từ năm 2016 đã được giải quyết; còn lại do vướng mắc ở tầm pháp luật, hoặc đang nghiên cứu giải quyết. Trong năm nay, VCCI đã nhận được 200 kiến nghị mới và đã chuyển cho các bộ, ngành, địa phương xem xét giải quyết. Các kiến nghị tập trung vào các nội dung cụ thể của Nghị quyết 35 như cải cách hành chính, bảo vệ quyền lợi DN, giảm lãi suất, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, bảo hiểm, logistic, giải quyết tranh chấp, thanh tra, kiểm tra... 

Đọc thêm