“Đối mặt” các doanh nghiệp phạm luật

(PLO) - Indonesia hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có dấu hiệu vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, đặc biệt trong việc vi phạm trốn thuế. 
Indonesia đang tìm biện pháp ngăn chặn trốn thuế, vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp Indonesia cũng như các doanh nghiệp nước ngoài
Indonesia đang tìm biện pháp ngăn chặn trốn thuế, vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp Indonesia cũng như các doanh nghiệp nước ngoài

Indonesia đã và đang điều chỉnh trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp kể từ khi thực hiện Luật Hành động khẩn cấp số 7/1955 về tội phạm kinh tế dù văn bản pháp lý đầu tiên trong lĩnh vực này mới được Tòa tối cao phê chuẩn vào cuối tháng 12 năm ngoái. 

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong suốt thời gian này có rất nhiều các vụ án hình sự liên quan đến các thực thể của công ty đã có các hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên nhà nước thiếu cơ sở pháp lý để tiến hành xử phạt các công ty mẹ. 

Phân lớp doanh nghiệp

Trước hết, Tòa án Tối cao Indonesia dù muộn nhưng cũng đã cụ thể hóa sáng kiến của mình để các cơ quan thực thi pháp luật có một sự hiểu biết rõ ràng hơn về cách điều tra, truy tố và thi hành án đối với các công ty đã phạm tội. Tuy nhiên, một sự hiểu biết rõ ràng hơn không có nghĩa là điều này là hoàn toàn tốt đẹp, thay vào đó, nó chỉ mang ý nghĩa là tốt hơn so với việc không có gì. Một cách toàn diện và nghiêm túc, việc xác định quốc tịch của một công ty không dễ dàng như việc lật một đồng xu, nhưng nó không phải là vấn đề duy nhất liên quan đến quy định của Toà án Tối cao theo Luật số 13/2016 (SC). 

Điều đầu tiên đáng chú ý là hệ thống phân lớp của các doanh nghiệp đương đại. Trong thời đại hiện nay, các thực thể của các công ty có thể dễ dàng tạo ra các lớp phân cấp để tránh bất kỳ trách nhiệm pháp lý liên quan nào. Dựa trên quan điểm như vậy, có thể dễ dàng tìm thấy sự liên quan đến Điều 6 trong Luật số 13/2016 của Tòa án Tối cao.

Điều 6 quy định rằng công ty mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm về các hành vi phạm tội của các công ty con hoặc các công ty khác có quan hệ pháp lý với mình tùy thuộc vào lỗi của mỗi công ty. Sau đó, để làm sáng tỏ trách nhiệm của công ty, phải nghiên cứu đến Điều 4 của Luật này. 

Điều 4 quy định rằng các thẩm phán phải đánh giá trách nhiệm của công ty dựa trên: (a) liệu công ty đó có nhận được bất kỳ lợi ích hoặc lợi thế nào từ hành vi phạm tội hay hành vi phạm tội đó đã được thực hiện vì lợi ích của công ty, (b) công ty cho phép hành vi phạm tội diễn ra, (c) công ty không có những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tội phạm hoặc tác động của tội phạm và không đảm bảo sự tuân thủ pháp luật. Điều khoản này dường như đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng, tuy nhiên nó vẫn chưa đủ. Điều 4 không chỉ chưa rõ ràng về việc liệu các doanh nghiệp vi phạm một trong những yếu tố trên hay là phải vi phạm hoàn toàn mới bị quy kết trách nhiệm, đặc biệt là những công ty đa quốc gia có chi nhánh ở nhiều nơi. Nếu A là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ có thiện chí tạo ra B như là công ty con của mình để kinh doanh ở Indonesia và B là công ty đã có các hành vi vi phạm pháp luật thì trong trường hợp này liệu công ty A có phải chịu trách nhiệm hình sự? Nếu công ty A không chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này nó sẽ mâu thuẫn với Điều 4. 

“Truy” kẻ phạm luật

Điều 25 của Luật số 13/2016 giải thích rằng hình phạt chính đối với các đơn vị doanh nghiệp chỉ là tiền phạt. Mặt khác, việc thực hiện hình phạt tại nước ngoài phải dựa trên Hiệp định Hỗ trợ tư pháp. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia trên thế giới đều có các Hiệp định Hỗ trợ tư pháp với nhau. 

Hơn nữa, việc thực hiện biện pháp xử phạt đối với các công ty ở nước ngoài có thể trở nên phức tạp hơn khi các công ty này tiến hành hoạt động kinh doanh ở các quốc gia thuộc về thiên đường thuế. Chúng ta vẫn còn nhớ trường hợp tại Panama. Ngay cả khi quốc tịch của công ty bị kết án là của Indonesia và chỉ tiến hành hoạt động kinh doanh tại Indonesia, nếu công ty này đưa tiền vào quốc gia thuộc thiên đường thuế, tòa vẫn không thể biết chính xác số tiền của mà công ty đó có và từ đó cũng sẽ tạo ra không ít khó khăn trong việc kết án công ty đó. 

Việc áp dụng hình thức phạt tiền cũng sẽ gặp phải những vấn đề khi phải đối mặt với số tiền thực tế của một công ty. Tại Điều 28 của Luật này quy định về cơ chế, theo đó nếu một công ty không thực hiện hành vi nộp tiền phạt, nhà nước có thể tịch thu tài sản của công ty và đưa nó vào cuộc bán đấu giá. 

Sau đó, Điều 29 quy định tình huống mà nếu vẫn chưa đủ, hội đồng quản trị của công ty sẽ bị giam giữ. Việc Tòa án Tối cao Indonesia ban hành luật này được xem là một trong những bước đi cần thiết để ngăn chặn các hành vi trốn thuế, vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp Indonesia cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đến làm ăn tại quốc gia này. 

Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực khó khăn, phức tạp đòi hỏi các nhà làm luật của Indonesia phải không ngừng theo dõi, tổng kết để kịp thời chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế tình hình, đảm bảo quyền lợi kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp, đồng thời cũng giúp cho nhà nước không bị thất thoát các nguồn thuế của mình...

Đọc thêm