Đổi mới chuỗi cung ứng: Có giảm thiểu tình trạng “giải cứu” nông sản?

(PLO) - 50% trong số 700 chuỗi giá trị sản phẩm an toàn của ngành nông nghiệp hoạt động không hiệu quả. Đây được xem là “đích nhắm” đổi mới để giảm thiểu tình trạng “giải cứu nông sản”…
Bộ NN&PTNT đã phải vào cuộc “giải cứu”củ cải trong vụ mùa vừa qua. 
Ảnh minh họa
Bộ NN&PTNT đã phải vào cuộc “giải cứu”củ cải trong vụ mùa vừa qua. Ảnh minh họa

Hạn chế ở mọi khâu trong chuỗi giá trị nông sản

Tại Diễn đàn nông nghiệp mùa xuân với chủ đề “Đổi mới chuỗi cung ứng nhằm tăng cường hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam” tổ chức mới đây, TS.Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS)  thành viên Liên minh Nông nghiệp cho biết, hiện nay, toàn ngành nông nghiệp có khoảng 700 chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, tuy nhiên chỉ 50% số chuỗi hoạt động có hiệu quả. Đáng chú ý, chuỗi giá trị nông sản từ khâu đầu vào, sản xuất (SX), sau thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu (XK) đều tồn tại những hạn chế nhất định.

Cụ thể, tại khâu đầu vào, chi phí còn cao với giá cả biến động. Ở khâu này còn diễn ra tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng quá nhiều nước. Tiếp đến khâu SX, quy mô khá nhỏ, manh mún, thiếu liên kết. Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật sai, sử dụng quá nhiều lao động và chất lượng không đồng nhất cũng là những hạn chế điển hình.

Ở khâu sau thu hoạch, theo đại diện VAAS, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Cụ thể, mức tổn thất sau thu hoạch với rau quả là 32%, thịt là 14% và thủy sản là 12%. “Đây là mức tổn thất khá cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, hạn chế còn là thiếu kho chứa đảm bảo tiêu chuẩn, vận chuyển và đóng gói kém và giao dịch quá nhiều khâu trung gian…” – Phó Giám đốc Đào Thế Anh nói.

Ở khâu chế biến, hạn chế được chỉ ra là công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp, quy mô nhỏ, manh mún, đặc biệt thiếu chế biến sâu và thiếu chế biến các sản phẩm phụ.

Riêng về XK, hạn chế dễ nhận thấy là chất lượng thấp, giá thấp. Sản phẩm XK thiếu thương hiệu. Ngoài ra, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm kém, thiếu thông tin thị trường.

Theo ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện XK nông sản thường vướng ở khâu mở cửa thị trường và những hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là khi XK vào các thị trường nông nghiệp của các nước có trình độ cao hơn.

Lấy ví dụ về vấn đề này, ông Định cho biết, khi XK hàng đi Australia, Nhật, hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là yêu cầu về độ an toàn của thực phẩm cao hơn rất nhiều. Muốn ổn định, thâm nhập được, phải ổn định được quy trình SX. Đặc biệt, các DN tham gia vào chuỗi cũng phải có trình độ quản trị tương xứng để có thể làm ra các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn, vượt qua hàng rào kỹ thuật của các nước có yêu cầu cao.

Cũng theo ông Định, đầu tư vào nông nghiệp là lĩnh vực khó và rủi ro cao. Ngay cả trong đầu tư FDI, nếu so vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp với đầu tư FDI nói chung thì tỷ lệ cũng rất nhỏ.

TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc VAAS đã liệt kê một loạt sách của Nhà nước hướng tới việc SX sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị như Quyết định 62, Quyết định 210, Quyết định 889, Quyết định 55… Tuy nhiên, ông cho rằng, những chính sách này còn nhiều bất cập và chưa hợp lý khi triển khai xuống thực địa. Hiện nay, một số các quyết định này đang được sửa đổi theo hướng phù hợp với thực tiễn hơn…

Đẩy mạnh liên kết giữa Doanh nghiệp - Hợp tác xã

Việc phát triển chuỗi giá trị nông sản sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, gia tăng giá trị thông qua đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Qua đó giảm tối đa việc phải giải cứu nông sản, tạo thu nhập ổn định cho các hộ SX. 

Để thực hiện được mục tiêu trên, đại diện VAAS cho rằng: Cần thúc đẩy quan hệ liên kết doanh nghiệp – hợp tác xã, các mối quan hệ hợp tác công tư, chuyển giao công nghệ. Xây dựng tiêu chuẩn, thương hiệu và hệ thống dịch vụ chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm. Nhưng cốt lõi là cần áp dụng công nghệ quản trị hiện đại như truy xuất nguồn gốc vào quản lý chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu thất bại của thị trường cạnh tranh hiện nay.

Bên cạnh đó, cho rằng người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn có sự hoài nghi đối với các mặt hàng nông sản an toàn, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR kiến nghị, cần minh bạch hóa chuỗi cung ứng thông qua công nghệ 4.0, với nhiệm vụ trước tiên là nâng cao nhận thức của người nông dân.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc đang ngày càng trở nên quan trọng trong quản trị thương hiệu. Theo bà Minh, hiện nay công nghệ Blockchain đang được áp dụng rất rộng rãi trên thế giới. Lợi thế của Blcokchain là đáng tin cậy, minh bạch, bền vững, đặc biệt là giá thành không quá cao. Ngoài công nghệ Blockchain, mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong chuỗi cung ứng nông sản cũng đang rất phổ biến. Đây là những giải pháp quản trị hiện đại nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản.

“Minh bạch hóa nguồn gốc và chất lượng sản phẩm nhờ ứng dụn công nghệ Blockchain”

Ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch Lina Network cho biết, blockchain là công nghệ mã hóa phức tạp, dùng để lưu trữ thông tin dựa trên cơ chế đồng thuận chống lại việc thay đổi dữ liệu. Việc ứng dụng blockchain đem lại sự minh bạch, loại bỏ chi phí không hiệu quả, nâng cao tính bảo mật và trao quyền cho cộng đồng.

Giải pháp Lina.Network được xây dựng trên nền tảng Ethereum Blockchain, tối ưu bằng thiết kế lai để bảo đảm việc theo dõi nguồn gốc sản phẩm theo thời gian thực. Với chuỗi cung ứng thông thường có các điểm mù, ví dụ như người bán có gửi đủ đơn đặt hàng không thì blockchain cho phép thể hiện chi tiết một tài sản trong hệ thống đang ở đâu, trạng thái thế nào và ai đang nắm giữ tài sản đó. Ngoài ra, các tổ chức trong chuỗi cung ứng sản phẩm có thể dự đoán khi sản phẩm tới nơi có trạng thái thế nào. Đặc biệt, vì dữ liệu trong blockchain là minh bạch với mọi người và được cập nhật tức thời nên có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm ở mọi thời điểm…”.

Đọc thêm