Đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập: Cơ cấu lại NSNN

(PLO) - Theo Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, ông Phạm Văn Trường,  việc đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm  thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp vươn lên, tăng cường khả năng tự chủ ở mức cao hơn, song mục tiêu lớn nhất vẫn là cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN)…
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Thêm nhiều quyền tự chủ

Xuất phát từ tầm quan trọng của việc đổi mới khu vực sự nghiệp công theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và thực tiễn đặt ra yêu cầu đổi mới khu vực sự nghiệp công; Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công theo hướng ban hành một Nghị định khung quy định các vấn đề chung về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Các bộ quản lý ngành căn cứ vào Nghị định khung xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực: y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hoá, thể thao và du lịch; thông tin, truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Điểm mới của Nghị định 16/2015/NĐ-CP là tạo ra sự tự chủ về thực hiện nhiệm vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công, tự chủ về tài chính, nhân sự... Đơn vị được quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của đơn vị, kế hoạch của cơ quan cấp trên giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ; tham dự đấu thầu các hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị sự nghiệp công được cấp có thẩm quyền giao; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật...

Nghị định 16/2015/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, danh mục dịch vụ sự nghiệp công; đồng thời phân định dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN như sau: 

Đối với loại dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN, đơn vị sự nghiệp được tự xác định giá dịch vụ theo nguyên tắc thị trường.

Đối với loại dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN, Nhà nước ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công và Nhà nước định giá; đồng thời quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để phù hợp với khả năng của NSNN và thu nhập của người dân như sau: Đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định); Đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); Đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Để tạo điều kiện cho các đơn vị có điều kiện vươn lên nhanh hơn, Nghị định 16 quy định, căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện trước lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.

Chuyển dịch ngân sách sang đối tượng thụ hưởng dịch vụ công

Khẳng định mục tiêu lớn nhất của việc thực hiện tự chủ là cơ cấu lại NSNN, Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp cho biết, khi các đơn vị tự chủ theo lộ trình từ nay đến năm 2020, phần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách hỗ trợ cho các đơn vị này sẽ được cơ cấu lại để hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách, đối tượng khó khăn. Do đó, tổng chi ngân sách cho các lĩnh vực sẽ không giảm mà sẽ được cơ cấu lại.

“Thay vì chi cho đơn vị sự nghiệp công, sẽ chuyển sang đối tượng thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công như người nghèo, vùng sâu, vùng xa. Ví dụ như trong lĩnh vực y tế, chi cho lĩnh vực y tế sẽ chuyển sang hỗ trợ mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho các đối tượng thụ hưởng BHYT. Điều đó sẽ có tác động tích cực nhiều chiều, vừa thúc đẩy nhanh quá trình mở rộng đối tượng tham gia BHYT, vừa tăng diện bao phủ BHYT…”, ông Trường phân tích.

Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại ngân sách sẽ góp phần để thực hiện cải cách tiền lương, trong đó cải cách đối với các đơn vị vẫn còn được Nhà nước hỗ trợ; tăng chi cho các chương trình y tế dự phòng, các lĩnh vực giáo dục đào tạo, là những mục tiêu trọng điểm, cấp bách mà Nhà nước đầu tư.

Được biết, đến nay 2 trong số 7 nghị định ban hành theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã được ban hành và mới đây nhấy là Nghị định 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác (do Bộ Tài chính soạn thảo).

Cũng theo ông Trường, thống kê cho thấy, hoạt động của đơn vị sự nghiệp từ khi Nghị định 43/2006/NĐ-CP được đưa vào thực hiện, có thể thấy rõ chất lượng dịch vụ tăng lên, thu nhập bình quân của người lao động tại các đơn vị sự nghiệp tăng 0,5-1,5 lần so với trước đây. 

Đọc thêm