Đón làn sóng FDI dịch chuyển: Phải có cách làm mới!

(PLVN) - Xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng rõ nét hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 và xung đột thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên hướng dịch chuyển này có vào Việt Nam hay không, theo các chuyên gia còn phụ thuộc vào cách mà chúng ta đón tiếp…
UBND tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD, dự án FDI lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2020 cho NĐT Singapore.
UBND tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD, dự án FDI lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2020 cho NĐT Singapore.

Vẫn còn nhiều trở ngại

Theo đánh giá của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư của thế giới năm 2020 có thể suy giảm tới 40%. Các nền kinh tế thế giới giảm sâu, thậm chí là âm. Trong khi ở Việt Nam, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN), Bộ KH&ĐT cho biết, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI đạt gần 20 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ. 

Theo Cục trưởng Cục ĐTNN, ông Đỗ Nhất Hoàng, đây là mức giảm thấp hơn nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực. Trong đó, riêng vốn thực hiện đạt 11,3 tỷ USD, chỉ giảm 5,1% so với cùng kỳ. “Đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà ĐTNN đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam!”- ông Hoàng khẳng định và cho biết thêm, kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực ĐTNN cũng chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu đạt 113,3 tỷ USD, giảm 4,5%; nhập khẩu đạt 90,7 tỷ USD, giảm 5,3%. Điều này chứng tỏ mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng khối doanh ghiệp (DN) ĐTNN vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối tốt, không bị suy giảm quá nhiều. 

Nói về sự dịch chuyển làn sóng FDI, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN (VAFIE) khẳng định, không phải xu hướng này bây giờ mới xuất hiện vì trước đó đã có những quốc gia chủ trương khuyến khích DN chuyển vốn về nội địa để giải quyết vấn đề việc làm và thực tế hiện nay dòng vốn dịch chuyển so với tổng vốn ĐTNN cao hơn trước rất nhiều. “Vấn đề là làn sóng đó có đến Việt Nam hay không? Việt Nam tận dụng làn sóng đó như thế nào? Tôi nghĩ làn sóng FDI mới là có nhưng có rất nhiều cản trở để làn sóng này có thể đến với chúng ta!”- ông Toàn thẳng thắn.

Theo Phó Chủ tịch VAFIE, đang có 3 dòng vốn dịch chuyển: Dịch chuyển đơn hàng; Luồng vốn đầu tư ra nước ngoài; Và dịch chuyển trực tiếp, một bộ phận hoặc toàn bộ nhà máy từ nước A sang nước B. “Chúng ta nhìn nhận được 3 luồng vốn đó và phải cố gắng chia từng phân khúc để có thể tiếp thu được luồng vốn này!”- ông Toàn lưu ý. 

Thiết kế những gói chính sách mang tính chất “may đo”

Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, ngoài yếu tố thuận lợi bên ngoài, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đón làn sóng FDI chuyển dịch do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư cũng như sự thành công trong việc kiểm soát dịch thời gian vừa qua.

Trong số rất nhiều ưu thế của Việt Nam, theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM), nổi trội nhất là Việt Nam ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác, các đối tác đó đều là những thị trường chủ yếu trên thế giới.

Tuy nhiên, chuyên gia này dẫn ra một thực tế là cho đến nay ĐTNN vào Việt Nam đến từ “các thiên đường thuế” rất nhiều. Phần lớn FDI đến từ các nước châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc, mà không có hoặc rất ít FDI từ Hoa Kỳ và châu Âu. “Xu hướng này chưa có cải thiện trong khi chúng ta rất kỳ vọng đầu tư từ Hoa Kỳ và châu Âu là đầu tư chất lượng cao. Những đầu tư này sử dụng công nghệ cao hơn, không sử dụng chi phí lao động thấp, rất phù hợp khi chúng ta muốn cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng…”- Chuyên gia này phân tích.

Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng các nhà đầu tư (NĐT) mong muốn chính sách, luật pháp phải ổn định, văn bản phải cụ thể, khi thực thi phải dự đoán được, không có “tiền gầm bàn”, không có chi phí không chính thức… “Điều này đối với NĐT Hoa Kỳ và châu Âu là cực kỳ quan trọng bởi vì họ là những người luôn luôn phải tuân thủ luật pháp, Nếu không tuân thủ, rủi ro pháp lý xảy ra với họ là rất lớn, họ sẽ tránh. Đây là điều đầu tiên tôi cho rằng chúng ta phải khắc phục...”- ông Cung nêu ý kiến.

Đề xuất cách tiếp cận chính sách, mặt bằng chung là như vậy, nhưng đối với từng NĐT, chuyên gia này lưu ý phải có chính sách khác nhau. “Chúng ta phải thiết kế những gói chính sách mang tính chất “may đo”, không “may sẵn”. Lúc đó chúng ta mới đáp ứng các nhu cầu của các NĐT. Từ đó, chọn được NĐT có chất lượng, đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị về thay đổi cách thức quản lý, thay đổi cách thức thu hút và có lựa chọn để nâng cao chất lượng NĐT…”- TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh và cho rằng cần phải hành động hết sức cụ thể và xác định đúng vấn đề xử lý khi các NĐT yêu cầu. Cùng với đó, phải thu hút được DN trong nước, hỗ trợ họ tham gia chuỗi dịch chuyển, nếu không, chỉ có nhà ĐTNN tận dụng được lợi thế này…

Đồng tình quan điểm này, Cục trưởng Cục ĐTNN cũng khẳng định, trong bối cảnh các quốc gia khác cũng đang ban hành nhiều chính sách rất mạnh mẽ để giữ chân cũng như lôi kéo các nhà ĐTNN về nước mình, để cạnh tranh được, chúng ta cũng phải có các giải pháp đột phá, các cách làm mới thì mới có thể hấp dẫn được nhà ĐTNN. Đồng thời, các giải pháp đề ra cần phải thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ thì mới tận dụng được cơ hội này.

“Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác ĐTNN do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm Tổ phó thường trực; lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên để kịp thời hỗ trợ các dự án lớn đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam…”- ông Hoàng nói. 

Đọc thêm