Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần vai trò kinh tế vùng

(PLVN) - Ngày 14/12, tại Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 (Báo cáo) với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững”, được thực hiện bởi nhóm chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam dưới sự chủ trì, điều phối của VCCI, chịu trách nhiệm chuyên môn của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) vừa hoàn thành sau hơn 1 năm nghiên cứu, hợp tác thực hiện. 

Báo cáo gồm 5 chương, trong đó tập trung vào các vấn đề then chốt như: Tổng quan nền kinh tế Việt Nam; Nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế ĐBSCL; Năng lực cạnh tranh của ĐBSCL dựa trên phân tích tiềm năng điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của địa phương, của các cụm ngành thế mạnh và tiềm năng của vùng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và logistics.

Theo Báo cáo, ĐBSCL từ ba thập niên qua đến nay đã phải chịu nhiều tác động. Bên cạnh những yếu tố khách quan, việc phát triển kinh tế cũng đang trở thành nguyên nhân chủ quan đè nặng lên toàn vùng. Song song đó, chính sách hay tập quán canh tác bất cập gây nên, định hướng thâm canh nông nghiệp, đặc biệt là lúa ba vụ, vừa không hiệu quả vừa thiếu bền vững. Ngoài ra, ĐBSCL đang trải qua những biến động quan trọng về nhân khẩu học. Tỷ lệ bỏ học các lớp phổ thông, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn của ĐBSCL đang ở mức thấp nhất nước.

Một nội dung đáng chú ý khác rút ra từ nghiên cứu là vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Theo đó, đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ba thập kỷ qua giảm mạnh. Nếu so với TP HCM thì vào năm 1990, GDP của TP HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì 2 thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược. Ở một góc nhìn khác, tăng trưởng GDP của ĐBSCL thấp hơn TP HCM và Đông Nam Bộ là do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước nên phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo và kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.

Khi nhìn nhận về ĐBSCL - vùng luôn được gắn liền với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào - nhưng thực tế quá trình phát triển trong hơn 2 thập niên qua cho thấy không phải là như thế. Hạ tầng cơ sở mặc dù được đầu tư nhưng còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối. Thiếu quy hoạch đồng bộ và Logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.

Vấn đề đáng quan tâm nữa của Báo cáo này là vấn đề di cư. Đây là vấn đề nhức nhối của các địa phương trong vùng trong thời gian qua. Cụ thể, lượng dân cư rời khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng. Do đó, so với trước đó 10 năm, dân số vùng ĐBSCL gần như không đổi.  Ngoài ra, hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng nhất ở ĐBSCL là chế biến thủy hải sản. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của hoạt động này lại khiêm tốn và nhiều yếu tố khác khiến công nghiệp ĐBSCL khó phát triển. Hơn nữa, điểm yếu của ĐBSCL là năng suất công nghiệp phụ thuộc vào đầu tư của khu vực FDI, đây chính là mấu chốt khiến công nghiệp chưa thực sự bứt phá. 

Kết quả nghiên cứu từ Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 cũng thông tin rõ, tình trạng dịch bệnh, hạn hán kéo dài, xâm lấn mặn ngày càng nghiêm trọng khiến môi trường kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL trở nên bấp bênh. Lợi thế địa hình, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ôn hòa đã không còn do tác động từ thiên tai và con người tạo ra. Những thế mạnh về cải cách, cải thiện công tác điều hành kinh tế địa phương đang mất dần so với các vùng kinh tế khác. Những thách thức và hạn chế đang đẩy vùng ĐBSCL vào tình thế nan giải.

Qua những phân tích trên, Báo cáo tập trung bàn luận về những hạn chế còn tồn tại, xác định các thách thức, cản trở sự phát triển của vùng, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách để phát triển ĐBSCL trong giai đoạn tới. 

Đọc thêm