Dự án BT SVĐ Đồng Hới: Nhớ “bài học” sân 1,2 vạn ghế, nhiều năm không bóng người

(PLO) - Quảng Bình đang rục rịch triển khai một số dự án theo hình thức đối tác công - tư, trong đó có sân vận động (SVĐ) quy mô 1,5 vạn chỗ ngồi. Dự kiến, công trình trên sẽ thay thế SVĐ trung tâm TP. Đồng Hới 1,2 vạn chỗ, từng có nhiều năm, bóng không lăn mà chỉ thấy cỏ dại mọc um tùm...
Quảng Bình không có đội bóng đá chuyên nghiệp nhưng vẫn xây SVĐ Đồng Hới quy mô hơn 1 vạn chỗ ngồi
Quảng Bình không có đội bóng đá chuyên nghiệp nhưng vẫn xây SVĐ Đồng Hới quy mô hơn 1 vạn chỗ ngồi

Đây là một trong 2 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đầu tiên mà Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Bình đang xúc tiến triển khai. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của PLVN, việc khởi động dự án trên đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”. 

Quy mô đầu tư lớn hơn số lẻ thu ngân sách? 

Thường khi đã no đủ, người ta mới nghĩ tới chuyện vui chơi, giải trí, thể thao... Còn Quảng Bình - một tỉnh đang nghèo khó, vì sao lại bàn chuyện xây SVĐ lên tới 1,5 vạn chỗ ngồi? Vì với quy mô đầu tư như thế, số vốn bỏ ra cũng phải lên tới  hàng trăm tỷ đồng chứ không phải bỡn.

Còn nhớ, tỉnh này từng có bài học nhãn tiền về sự lãng phí khi cách đây 20 năm đã chi gần 20 tỷ đồng để xây, sửa 1 SVĐ quy mô 1,2 vạn chỗ ngồi, nhưng chừng ấy năm trời chưa từng thấy một trận cầu đỉnh cao nào được tổ chức; họa hoằn lắm mới có một vài hoạt động mít tinh, kỷ niệm hay một số hoạt động thi đấu trong khuôn khổ các kỳ đại hội thể dục thể thảo của tỉnh. 

Đáng nói, có những thời điểm do không có những sự kiện thể thao diễn ra  thường xuyên liên tục, nên nhiều năm, mặt SVĐ Đồng Hới cỏ dại mọc xanh um, hàng ngày chỉ thấy người dân vào, ra bứt cỏ... nuôi bò. 

Trả lời PLVN về chủ trương nhiều tranh cãi nói trên, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình Lê Anh Tuấn nói: “Năm 2013, khi lập quy hoạch TP.Đồng Hới, công trình SVĐ nói trên phải di dời ra khỏi vị trí trung tâm thành phố. Vì thế, phải tính chuyện tìm địa điểm để đầu tư xây dựng 1 sân mới thay thế cho sân này. Còn quy mô 1,5 vạn chỗ là sự tính toán phù hợp với quy mô dân số đô thị của tỉnh đến năm 2030”.

Về lý thuyết có thể hiểu như thế nhưng thực tế, điều kiện kinh tế của Quảng Bình đang còn khó khăn, tỉnh lại không có một đội bóng đá chuyên nghiệp nào, số thu ngân sách đang thấp (năm 2016 chỉ đạt 3.200 tỷ đồng)..., thì việc lên dự  toán một công trình có tổng đầu tư dự kiến vượt quá số lẻ của số thu ngân sách nói trên là điều cần cân nhắc để tránh tiếng “chưa giàu mà đã muốn sang”.

Hơn nữa, tại Nghị quyết về phân loại đô thị của Ủy ban Thương vụ Quốc hội ban hành năm 2016, trong nhóm các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đối với đô thị loại 2 tại phần tiêu chuẩn “công trình thể dục, thể thao cấp đô thị” chỉ yêu cầu có từ 5 - 7 công trình mà không có một lưu ý nào rằng đó là công trình thể thao gì hoặc do nhà nước hay tư nhân thực hiện.

Rất lâu mới có một lễ hội, sự kiện văn hóa diễn ra trên SVĐ Đồng Hới
Rất lâu mới có một lễ hội, sự kiện văn hóa diễn ra trên SVĐ Đồng Hới

Cần một quyết định khôn ngoan 

Tìm hiểu thêm quá trình thực hiện dự án nói trên được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã chủ trì một cuộc họp với sự tham gia của các sở, ngành liên quan cùng nhà đầu tư quan tâm Dự án BT SVĐ Đồng Hới - Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, đại diện lãnh đạo tỉnh này tại đây đã thống nhất quy mô và diện tích dự kiến sẽ xây dựng công trình này (khoảng 7 ha) tại thôn Lộc Đại, xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới.

Trao đổi với báo chí về việc này, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Bình Đinh Hữu Thành khi đó cho biết thêm, dự án đang dừng ở bước thống nhất chủ trương, còn tổng vốn bao nhiêu và cách thức thực hiện dự án như thế nào thì sẽ tiếp tục bàn thêm trong thời gian tới.

“Lãnh đạo tỉnh đã cân nhắc nhiều về việc nên hay không nên, rồi quy mô công trình như thế nào cho nó phù hợp. Bởi để đầu tư hoàn chỉnh công trình này cũng cần một khoản kinh phí lớn. Nhưng trên thực tế, không thể phá dỡ sân cũ đi mà không có phương án xây lại sân mới”, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình nói với PLVN.

Theo đó, phương án mà tỉnh này đang hướng tới là phân kỳ dự án trên thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu chỉ đầu tư hạng mục SVĐ, cột đèn, hệ thống thông gió và các phòng chức năng; giai đoạn tiếp theo sẽ hoàn thiện các hạng mục như mái che sân, ghế ngồi, hệ thống điều hòa không khí... 

Cách này mới nghe thì nghĩ đó là tiết kiệm kiểu “con nhà nghèo”, nhưng tính kỹ lại thấy dễ sinh lãng phí bởi xây sân quy mô 1,5 vạn chỗ ngồi mà không ghế ngồi, phải chờ đầu tư... giai đoạn 2 và giai đoạn 2 chưa xác định khi nào, thì liệu có hợp lý và có khai thác hết công năng của công trình trăm tỷ hay làm xong rồi lại... phơi nắng?

Trong khi đó một số ý kiến khác thì cho rằng, xây SVĐ không chỉ phục vụ các hoạt động thể dục thể thao mà còn là nơi để tổ chức các kỳ cuộc lễ nghi, khánh tiết, vì thế rất cần có ngay sân mới sau khi phá bỏ sân cũ... 

Đặt vấn đề như vậy không sai, nhưng nên biết sau khi dỡ bỏ SVĐ Đồng Hới, cũng tại vị trí này, tỉnh Quảng Bình dự kiến sẽ triển khai Dự án tượng đài Hồ Chí Minh và quảng trường trung tâm, với một mặt bằng rộng hơn diện tích SVĐ cũ, nên chắc chắn đủ khả năng tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa... lớn, nhỏ của tỉnh Quảng Bình. 

Thời điểm này, tạm thời chưa bàn sâu thêm những ý kiến trên, hãy nhìn rộng ra để thấy Quảng Bình vẫn còn nhiều lĩnh vực với biết bao công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế  và đời sống dân sinh cần được đầu tư kiến thiết hơn là việc xây SVĐ 1,5 vạn chỗ ngồi? 

Trong trường hợp này, một quyết định đúng đắn và phù hợp với tình hình  thực tế sẽ ích nước, lợi dân!

Nhiều cán bộ từng “dính” kỷ luật vì Dự án SVĐ Đồng Hới 

Cách đây 15 năm, Báo PLVN từng có loạt bài điều tra về sự lãng phí và nghi vấn “rút ruột” tại Dự án đầu tư xây dựng SVĐ Đồng Hới quy mô 1,2 vạn chỗ ngồi. Công trình này được khởi công xây dựng từ năm 1994 - 2002, với tổng đầu tư ban đầu 9 tỷ đồng. Nhưng vừa xây xong, bóng chưa lăn thì khán đài đã hư hỏng nặng nên lúc bấy giờ, địa phương phải chi thêm... 8 tỷ để khắc phục sự cố.

Công trình chắp vá này, nhiều năm sau đó không có một hoạt động thi đấu thể thao đỉnh cao nào như kỳ vọng của người dân lúc đó. Đáng nói, do bị bỏ không lâu ngày nên có những thời điểm mặt SVĐ Đồng Hới cỏ dại lên cao vút. Sau đó, một số cán bộ để xảy ra sai phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng công trình này đã “dính” kỷ luật. 

Đọc thêm