Dự án điện phân nhôm 15.480 tỷ đồng: Ì ạch tiến độ

(PLO) - Được hưởng hàng loạt siêu ưu đãi về đất đai, thuế, điện… nhưng dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông vẫn bị chậm tiến độ ít nhất thêm 2 năm nữa.  
Đến tháng 10/2017, Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông vẫn vẫn ngổn ngang các hạng mục xây dựng
Đến tháng 10/2017, Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông vẫn vẫn ngổn ngang các hạng mục xây dựng

Ưu đãi “khủng” cho dự án “khủng”

Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông (Dự án điện phân nhôm) do Cty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư “khủng”:  khoảng 15.480 tỷ đồng, tương đương 688 triệu USD. Đây là dự án sản xuất nhôm kim loại đầu tiên của Việt Nam, xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. 

Theo Giấy chứng nhận đầu tư, Cty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế; Giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; Áp dụng mức thuế suất 10% trong 30 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; Được miễn tiền thuê đất, sử dụng đất có hạ tầng trong suốt thời gian được giao và cho thuê đất; Được miễn tiền thuê mặt nước sử dụng mặt nước để phục vụ giai đoạn thi công xây dựng và giai đoạn vận hành dự án.

Ngoài ra, chủ dự án còn được hỗ trợ đầu tư xây dựng các hạng mục trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương. Đặc biệt, EVN chịu trách nhiệm đầu tư đồng bộ lưới điện mạch vòng 220 kV đến điểm đấu nối trạm biến áp của nhà máy; được áp dụng giá điện là 1.052 đồng/kW (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 5,0 cen /kwh) trong 10 năm đầu kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động. Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỉ giá đồng/USD.

Theo tiến độ đề ra, cuối năm 2016 nhà máy này sẽ có mẻ nhôm đầu tiên với công suất 150 ngàn tấn nhôm/năm và năm 2019 sẽ hoàn thành xây dựng nhà máy giai đoạn 2 với công suất 450 ngàn tấn nhôm/năm, doanh thu dự kiến lên đến hơn 27 ngàn tỷ đồng/năm. Thế nhưng, đến tháng 10/2017 nhà máy vẫn ngổn ngang các hạng mục xây dựng, ngay cả việc lắp đặt thiết bị cho nhà máy cũng không diễn ra theo đúng kế hoạch.  

Chủ tịch UBND huyện Đắk R’ Lấp  Lê Văn Thị cho hay: Chính quyền kỳ vọng nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, nâng cao đời sống xã hội. Tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ đạt hơn 60% khối lượng.

Dự án chậm do… chờ hạ tầng?

Theo tìm hiểu, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ chủ yếu phục vụ dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông, được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và hỗ trợ vốn hơn 1.658 tỷ đồng từ nguồn ngân sách; trong đó, ngân sách trung ương là hơn 1.540 tỷ đồng, còn lại ngân sách địa phương 118 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016 khối lượng thi công đạt giá trị khoảng 1.100 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, vào cuối năm 2016, trong 16 hạng mục của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ, mới chỉ có 5 hạng mục cấp bách được Thủ tướng cho phép chỉ định thầu để thực hiện. Các hạng mục còn lại chưa thể tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu theo quy định do chưa được bố trí vốn tiếp. 

Trao đổi với PLVN, ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân cho biết: Việc dự án chậm tiến độ là do tỉnh Đắk Nông chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo cơ sở hạ tầng theo cam kết. Địa phương không có đủ nguồn vốn nên xin lên trên, tuy Chính phủ đồng ý nhưng cấp chậm nên việc xây dựng hạ tầng bị chậm. “Trách nhiệm của tỉnh và trung ương là xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng nhưng tới giờ có gì đâu, đường sá không, thoát nước không. Thử hỏi cơ sở hạ tầng như thế làm sao chúng tôi lắp đặt thiết bị mà chạy được”- ông Quân cho hay.

Khi được hỏi khi nào Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông mới có thể cho “ra lò” sản phẩm nhôm đầu tiên? Ông Quân nói rằng nếu địa phương cam kết bàn giao mặt bằng đúng hẹn thì dự kiến đến đầu năm 2019 nhà máy sẽ đi vào sản xuất và cho ra lô sản phẩm đầu tiên. 

Liên quan đến việc hỗ trợ giá điện cho dự án, báo chí ngày 5/3/2016 dẫn lời một cán bộ của Bộ Công Thương cho biết, do Dự án chế biến alumin Nhân Cơ (Lâm Đồng) vẫn lỗ theo kế hoạch dự kiến là từ 4-5 năm, thời gian thu hồi vốn kéo dài từ 11-12 năm nên Bộ Công Thương tính toán, đề nghị Chính phủ hỗ trợ bù lỗ giá điện cho dự án Nhà máy điện phân nhôm của Cty TNHH Trần Hồng Quân khoảng 490 tỉ đồng/năm.

“Bộ tính toán đề nghị Chính phủ hỗ trợ giá điện cho nhà máy này là 5 cent (Mỹ)/kWh nhưng với mức giá điện như hiện nay (khoảng 7 cent/kWh) và còn có thể tăng đến 9 cent/kWh theo lộ trình và Quy hoạch phát triển điện VII tính trên mức tiêu hao điện của nhà máy này thì mức hỗ trợ có thể lên tới 120 triệu USD/năm. Và trong 10 năm dự kiến được trợ cấp (2016-2025), số tiền hỗ trợ là rất lớn. Số tiền hỗ trợ có thể lên đến 1,2 tỉ USD trong giai đoạn này”, vị này cho hay. 

Đọc thêm