Dự án Nam Côn Sơn: Nền móng cho công nghiệp khí Việt Nam

(PLVN) - Có thời điểm lượng khí do dự án Nam Côn Sơn cung cấp đã góp phần sản xuất khoảng 40% tổng sản lượng điện cả nước. Hiện công suất dự án này khoảng  22 triệu m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí ngày càng tăng của Việt Nam.
Hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.
Hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.

Dự án 1,3 tỷ USD

Theo ông Trần Ngọc Cảnh - nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nguyên Trưởng đoàn Đàm phán Dự án khí Nam Côn Sơn, cụm các mỏ khí Lan Tây – Lan Đỏ thuộc lô 06 thềm lục địa nước ta, nằm cách thành phố Vũng Tàu khoảng 360km về phía Đông Nam, được phát hiện năm 1993.

Năm 1995, Hội đồng Trữ lượng của PVN đã phê duyệt trữ lượng khí thiên nhiên và khí ngưng tụ (condensate) của Cụm mỏ Lan Tây - Lan Đỏ. Nhà thầu đã tiến hành khảo sát đáy biển chuẩn bị thiết kế đường ống dẫn khí vào bờ, cũng như tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế phát triển tại cụm mỏ này. Sau đó, năm 2001, hợp đồng hợp tác kinh doanh đầu tư xây dựng và vận hành đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn được PVN thực hiện với các đối tác.

Một năm sau, dự án xây dựng đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn hoàn thành, chiều dài 399km. Cùng thời điểm đó, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN, nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cũng hoàn thành xây lắp và đưa vào vận hành các nhà máy điện chạy khí ở Khu công nghiệp Phú Mỹ. Ngày 21/1/2003, dòng khí đầu tiên khai thác từ mỏ khí Lan Tây lô 06-1 được vận chuyển về tới Trạm Phân phối khí Phú Mỹ qua đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.

Để hoàn thành được dự án khí này, bao gồm xây lắp các công trình khai thác ngoài mỏ, xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí vào bờ dài gần 400km, Nhà máy xử lý khí, Trạm phân phối khí Phú Mỹ và Nhà máy Nhiệt điện khí Phú Mỹ 3, các bên tham gia hợp đồng đã đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD - là một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Đây là dự án then chốt của Chương trình trọng điểm Nhà nước về Khí - Điện - Đạm được Quốc hội khóa X thông qua.

“Thành công của dự án sau 20 năm hoạt động đã khẳng định những đóng góp của nó vào việc phát triển ngành công nghiệp khí non trẻ của Việt Nam, phát huy hiệu quả việc sử dụng nguồn tài nguyên khí thiên nhiên quý giá của đất nước vào phát triển kinh tế, góp phần hình thành đội ngũ lao động chuyên nghiệp có trình độ và tay nghề cao cho ngành Dầu khí. Các công trình trên biển của dự án đã góp phần quan trọng trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia ở trên Biển Đông”, ông Trần Ngọc Cảnh cho biết.

Cung cấp gần 100 tỷ m3 khí

Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn (NCSP) được thành lập từ năm 2000 giữa PVN và hai đối tác dầu khí nước ngoài để vận hành dự án khí Nam Côn Sơn. Hiện Tổng Công ty Khí Việt Nam (đơn vị của PVN) là nhà điều hành dự án. NCSP chịu trách nhiệm vận hành hệ thống đường ống dài 399km, nhà máy xử lý khí, trạm van nhằm vận chuyển, xử lý khí, condensate từ lô 06.1, lô 11.2 và các lô khác từ bồn trũng Nam Côn Sơn, cung cấp cho các nhà máy sản xuất điện, đạm tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.

Được biết, đến nay NCSP đã tiếp nhận, xử lý, vận chuyển và cung cấp ổn định, an toàn gần 100 tỷ m3 khí và 23 triệu thùng condensate. Đặc biệt, có thời điểm lượng khí do dự án cung cấp đã góp phần sản xuất khoảng 40% tổng sản lượng điện cả nước. Qua 7 lần nâng công suất và đầu tư mở rộng nhà máy, công suất hệ thống đã tăng từ 10 lên 22 triệu m3/ngày đêm. “NCSP đã đạt được những thành tựu hết sức xuất sắc, là sự hợp tác thành công giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài”, lãnh đạo PVN đánh giá.

Thêm dự án dẫn khí hơn 800 triệu USD

Cuối năm 2020, PV GAS cũng đã hoàn thành Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 2. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 809 triệu USD. Dự án được đầu tư xây dựng nhằm thu gom, vận chuyển khí các mỏ Thiên Ưng – Đại Hùng, Sao Vàng – Đại Nguyệt vào bờ, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và cấp khí cho các nhà máy điện, đạm khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đọc thêm