Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch: Không có “phiếu thuận” cho PVN

(PLO) - UBND tỉnh Quảng Bình vừa thông báo, việc chuyển chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được thống nhất, với sự nhất trí cao từ Chính phủ cho tới các Bộ liên quan.
Tiến độ ì ạch, nhưng Tổng Giám đốc PVN trong một văn bản gửi Văn phòng Chính phủ vẫn muốn “ôm” Nhiệt điện Quảng Trạch 1, vì sao?
Tiến độ ì ạch, nhưng Tổng Giám đốc PVN trong một văn bản gửi Văn phòng Chính phủ vẫn muốn “ôm” Nhiệt điện Quảng Trạch 1, vì sao?

“Ôm” dự án bất thành

Thông tin trên được công bố tại cuộc giao ban báo chí cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý III/2016 do UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức, với sự tham dự của các cơ quan báo, đài T.Ư và địa phương đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. 

Tại đây, câu chuyện về Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 mà PLVN từng đề cập sâu trong loạt bài “Rùa bò tại dự án tỷ đô” - đã được cơ chức năng của tỉnh Quảng Bình thông tin khá đậm nét. Cụ thể, Quyền Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình - ông Nguyễn Trần Quang nói với giới truyền thông, việc chuyển giao chủ đầu tư  Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được thống nhất. 

Ngoài ra, một nguồn tin có thẩm quyền từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cũng xác nhận với PLVN, EVN sẽ là đơn vị triển khai tiếp Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 2 trong thời gian tới.

Như PLVN từng phản ánh, trước đó, do tiến độ triển khai dự án này của PVN quá bết bát nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình đã thống nhất kiến nghị Chính phủ và các Bộ Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư… cho phép chuyển chủ đầu tư.

“Trong các cuộc họp vừa qua của Chính phủ và các Bộ Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư… tất cả đều thống nhất việc sẽ đồng ý chuyển chủ đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 từ PVN sang cho EVN để triển khai trong thời gian tới”, ông Nguyễn Trần Quang khẳng định. 

Xin lỗi vì… dầu thô rớt giá! 

Ngoài ra, vị đại diện của UBND tỉnh Quảng Bình còn tin tưởng việc chuyển giao dự án trên sẽ diễn ra thuận lợi, bởi cả 2 đều là doanh nghiệp Nhà nước, cho dù trước đó, trong một văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn - có lẽ vì muốn níu kéo dự án nên đã “nại” lý do “Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ định Liên danh PVC - Lilama làm tổng thầu EPC, và các bên đang chuẩn bị trình lại hồ sơ đề xuất để phù hợp với Quy hoạch điều chỉnh.Với khối lượng công việc thực hiện dở dang ước khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó giá trị đã giải ngân  là 564,30 tỷ đồng, PVN sẽ rất khó thu hồi giá trị này nếu phải chuyển giao dự án...”?

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PLVN, ông Hồ Xuân Hiền - Trưởng Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện dầu khí Vũng Áng - Quảng Trạch (PVN) cho hay, sau thời điểm PLVN khởi đăng loạt bài nói trên, lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn này đã về làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, với mong muốn tiếp tục triển khai dự án.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang sau đó cũng xác nhận với PLVN điều này, đồng thời còn cho biết thêm, PVN đã có nói lời xin lỗi tỉnh Quảng Bình với lý do thời gian gần đây, giá dầu thô xuống thấp khiến Tập đoàn này gặp nhiều khó khăn.

Được biết, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 với tổng mức đầu tư 1,7 tỷ USD, một thời được ví là “giấc mơ đổi đời”, là sự kỳ vọng của cả một nhiệm kỳ lãnh đạo 5 năm trước đây ở Quảng Bình, song do “ông lớn” Dầu khí triển khai quá ì ạch nên giấc mơ ngân sách của tỉnh nghèo miền Trung đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Vì thế, Quảng Bình giờ đang đặt trọn niềm tin vào “ông lớn” Điện lực.

Hơn 5 năm, chưa “dọn” xong mặt bằng

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 do PVN làm chủ đầu tư, với giá trị 1,7 tỷ USD, khởi công xây dựng vào tháng 7/2011. Theo kế hoạch, thì cuối năm 2015, cả 2 tổ máy của dự án này phải hòa lưới điện Quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai, dự án mới chỉ san gạt được khoảng 80% diện tích mặt bằng và một số công trình phụ trợ như nhà ở, nhà văn phòng làm việc. Riêng hạng mục quan trọng nhất - nhà máy nhiệt điện, đến nay vẫn chưa triển khai được gì trên thực địa.

Đọc thêm