Dự án thu phí tự động không dừng có về đích trong năm 2020?

(PLVN) - Trong khi Tổng Cty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khó khăn về vốn và doanh nghiệp (DN) BOT chưa đồng thuận, liệu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có đưa Dự án (DA) thu phí tự động không dừng (ETC) về đích trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng?
Liệu ETC có hoàn thành trong năm 2020?
Liệu ETC có hoàn thành trong năm 2020?

Không đạt tiến độ

Đầu tháng 1/2020, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc triển khai hệ thống ETC hết sức chậm trễ, có sự lúng túng trong triển khai, chưa đạt yêu cầu về tiến độ đã đề ra.

Đến đầu tháng 4/2020, một lần nữa, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT (là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện DA ETC) xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai ETC, đưa vào hoạt động đồng bộ trong năm 2020.

Thực hiện yêu cầu này, ngày 16/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp, bàn các giải pháp đưa DA ETC về đích. Trước những vướng mắc, khó khăn ngổn ngang mà dự án ETC gặp phải, Bộ trưởng GTVT đã phải thốt lên: “Dù Bộ GTVT đã có nhiều chỉ đạo, nhưng đến nay không thực hiện được”.

Ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư cho biết, sau khi kiểm điểm nguyên nhân chậm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã chỉ đạo sát sao, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị liên quan. Đồng thời, Bộ đã thành lập tổ thực hiện DA, xây dựng lộ trình và các mốc tiến độ để đảm bảo mục tiêu dự án hoàn thành trong năm 2020.

Theo ông Thành, vướng mắc hiện nay một phần liên quan đến Quyết định 07 của Thủ tướng nên sẽ kiến nghị sửa đổi quyết định này trong tháng 5/2020; hoàn thành các thủ tục thành lập DN DA của nhà đầu tư giai đoạn 2 ngay trong tháng 4/2020. “Để thực hiện được cần đề xuất điều chỉnh Quyết định 18 của Thủ tướng về tái cơ cấu Tập đoàn Viettel”, lời ông Thành.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tiến độ DA giai đoạn 1 bao gồm 44 trạm. Hiện, đang triển khai các trạm trên tuyến QL5 và đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng của TCty Đầu tư hạ tầng và Phát triển tài chính Việt Nam (VIDIFI), đến hết tháng 6/2020 sẽ cơ bản hoàn thành vận hành thương mại.

Tại sao lại vướng ở VEC?

Ông Huyện lưu ý, ngoài 5 làn trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ được thực hiện, 4 DA còn lại của VEC chưa có vốn triển khai. Nếu theo cách làm việc của VEC hiện nay, DA không thể hoàn thành được trong năm nay.

Đồng quan điểm trên, theo lãnh đạo Bộ GTVT, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc hoàn thành ETC trong năm 2020 chính là việc triển khai ở VEC. Đơn vị này sở hữu 34 trạm với 242 làn, chiếm 30% tổng số làn phải triển khai thu phí tự động không dừng nhưng hiện VEC mới triển khai lắp đặt được 15 làn. Thậm chí, hiện nhà đầu tư BOT tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ hoàn thành lắp thiết bị, chạy thử nghiệm chỉ chờ kết nối liên thông với tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình của VEC, nhưng VEC vẫn chưa xong.

Giải thích về lý do chậm triển khai ETC, ông Trần Văn Tám, Tổng Giám đốc VEC cho biết, muốn đưa 15 làn đã xây dựng vào vận hành thương mại, giữa VEC và Công ty TNHH Thu phí tự động VETC phải ký hợp đồng chính thức thì VETC mới được thu tiền.

Tuy nhiên, muốn ký được hợp đồng, phải xác định được tỷ lệ trích phí tổ chức thu giữa hai bên. Thêm nữa, phải phê duyệt được dự toán và có quyết định chỉ định thầu cho VETC. Bên cạnh đó, theo quy định tại Quyết định 07 của Thủ tướng, nội dung hợp đồng phải được chấp thuận của cơ quan chức năng.

Cũng theo Tổng Giám đốc VEC, đối với các DA còn lại, VEC cũng đã được cơ quan chức năng chấp thuận hình thức thuê thiết bị của VETC, tuy nhiên, phần thiết bị này theo tính toán thời gian thuê trong vòng 5 năm chi phí mất khoảng trên 2.200 tỷ đồng. Trong khi đó, trong phương án tài chính của VEC được phê duyệt, chi phí tổ chức thu của VEC chỉ được trên 1.300 tỷ đồng. Vì thế, phương án tài chính cần được phê duyệt lại để có cơ sở pháp lý thực hiện.

Theo tìm hiểu của PLVN, từ khi VEC chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, vướng mắc về vốn của VEC để triển khai ETC đang gặp khó khăn. “Cần đề xuất giải pháp tháo gỡ nguồn vốn thực hiện DA của VEC. Nếu 5 DA của VEC không được giải quyết sẽ gây tác dụng ngược. DN tư nhân chấp hành, tại sao DN nhà nước lại không thực hiện?”, ông Nguyễn Văn Thể đặt vấn đề.

Trong một diễn biến khác, theo lãnh đạo VETC, hiện mới có 12/44 trạm đã ký được phụ lục hợp đồng, hợp đồng dịch vụ. Các trạm còn lại chưa ký được hợp đồng có nguyên nhân chủ yếu là chưa đồng ý với mức trích doanh thu theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GTVT. 

Trao đổi với PLVN, một số DN cho rằng tỷ lệ trích doanh thu ở mức cao nên nhiều DN không mặn mà, dẫn đến chậm trễ. Theo đó, các DN cho rằng Bộ GTVT chưa bàn bạc, thống nhất đã áp đặt con số 2,7% (tự làm rồi kết nối) đến 7% (thuê DA ETC làm) doanh thu BOT trả phí cho DA ETC. “Chỉ 2,7% nhưng tính cả tuổi đời DA thì con số này có thể lên đến 1.300 tỷ đồng. Thực tế có thể còn cao hơn”, lãnh đạo một DN BOT nói với PLVN.

Đọc thêm