Dự địa tăng trưởng vẫn trông vào cải cách

(PLO) - Đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 khoảng 6,58%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) cho rằng nếu tiếp tục cải cách, khả năng tăng trưởng có thể cao hơn con số đó…
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Vấn đề được đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018: Vững bước cải cách” do CIEM phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức sáng qua, 25/1.

Tăng trưởng 2017 từ đâu?

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM) năm 2017 được đánh giá là năm tương đối thành công của kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, cao hơn mức mục tiêu được đặt ra từ đầu năm; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với 7,85%; khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản thể hiện sức bật tốt hơn với mức tăng 2,9%.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng ổn định đạt 7,4%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 đạt 3,53%, thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra là 4%. Tín dụng tăng trưởng đạt 18,17% và có sự ổn định. Thu hút FDI năm 2017 của Việt Nam đạt gần 36 tỷ USD... 

Phân tích nguyên nhân tăng trưởng của năm 2017, theo CIEM, mức tăng trưởng này không dựa nhiều vào các yếu tố mang tính “lượng” bởi phân ngành khai khoáng giảm 7,1%, trong khi tăng trưởng tín dụng không vượt so với các năm trước, đầu tư của khu vực nhà nước cũng không tăng đột biến…

Vậy tăng trưởng năm 2017 từ đâu?

Nguyên nhân đầu tiên được đề cập đến là cải cách thể chế kinh tế. Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh (MTKD) và năng lực cạnh tranh (CIEM), công cuộc cải cách này không phải chỉ từ đầu năm 2017 , nhưng năm 2017 được xem là một năm hành động quyết liệt, không chỉ từ Chính phủ (ban hành nhiều Nghị quyết chỉ đạo về cải thiện MTKD và các chương trình hành động) mà còn có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các Bộ, ngành về cải thiện các chỉ số MTKD, các địa phương cũng chú trọng hơn tới các giải pháp về cải thiện MTKD. Kết quả là MTKD, năng lực cạnh tranh đã được cải thiện nhiều nhất trong thập niên qua.

Đặc biệt, với việc cắt giảm các thủ tục/chi phí chính sách không cần thiết cũng giúp tăng GTGT cho DN. Theo ước lượng của CIEM, chất lượng văn bản QPPL (hướng tới phát triển khu vực tư nhân, theo WB) tăng 1% thì tốc độ tăng TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) được cải thiện 1,41 điểm phần trăm. 

Ngoài ra các nhân tố khắc cũng được đề cập đến như  tăng trưởng xuất khẩu, chất lượng tín dụng…

Tuy nhiên, cái chưa hài lòng của tăng trưởng năm 2017 được CIEM chỉ ra đó là tăng trưởng xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào các DN FDI (trước năm 2017), và chủ yếu trong 3 ngành (điện thoại và linh kiện; máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị khác)

Năm 2018 – Đừng “nhờ trời”

Từ kết quả tăng trưởng 2017, CIEM dự báo, triển vọng tăng trưởng năm 2018 là 6,58%; lạm phát 3,74%; tăng trưởng xuất khẩu 9,4%; cán cân thương mại 1,1 tỷ USD. 

CIEM cũng chỉ ra một loạt khó khăn, thách thức của năm 2018, đó là ngân sách nhà nước vẫn chưa đủ gây áp lực để tăng cường kỷ luật tài khóa, nhiều FTA có thể khiến Việt Nam thành “bia đỡ đạn”, biến động về dòng tiền…

Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH Quốc gia, ông Lê Đình Ân cho rằng mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 chưa tạo được yếu tố bền vững cho năm 2018. Nguyên nhân là do những chính sách thiếu ổn định, khu vực DN vẫn gặp nhiều khó khăn.

”Nhiều DN cho biết, chi phí không chính thức mà DN phải bỏ ra không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên. Cùng với đó, tiến trình cải cách khu vực DN nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công còn nhiều hạn chế…”- TS Lê Đăng Doanh- nguyên Viện trưởng CIEM chia sẻ.

Năm 2018 được đánh giá là năm “bước ngoặt” của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là cơ hội, song cũng là thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Theo đó, để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong năm 2018, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong cải thiện MTKD, giảm chi phí không chính thức cho khu vực DN. Cùng với đó, cần thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích khu vực DN đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2018 là ổn định kinh tế vĩ mô; Tiếp tục cải cách thể chế kinh tế (cạnh tranh, MTKD, DN nhà nước); thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; Cùng với đó là ứng phó kịp thời vời các cú sốc bất lợi…”- ông Nguyễn Anh Dương đưa ra lời khuyên. 

Theo Trưởng ban Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, đúng là vận nước đang lên nhưng chúng ta đừng sống “nhờ trời”…

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, CIEM đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là việc khó vì phải tìm ra cái mới, cái “chốt” của vấn đề để mà kéo, mà đẩy mới thành công. 

Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, trong các chỉ số về cải thiện MTKD, có lẽ chỉ số  khó nhất thuộc về lĩnh vực tư pháp vì “cửa rất hẹp”. “Tư pháp phải mạnh, phải độc lập thì khi đó mới nhìn thấy bóng dáng của kinh tế thị trường hiện đại…”- Viện trưởng CIEM khẳng định.  

Đọc thêm