Dự thảo Nghị định về XPHC trong lĩnh vực hải quan: Doanh nghiệp nêu những điểm chưa hợp lý

(PLVN) - Góp ý Dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính (XPHC) trong lĩnh vực hải quan, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, một số quy định về miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính (VPHC) chưa hợp lý.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Miễn, giảm phải dựa trên thiệt hại thực tế

Theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Dự thảo thì trong hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền phạt VPHC phải có: (1) Bản sao có xác nhận công chứng về bồi thường thiệt hại, về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) của cơ quan bảo hiểm trường hợp thiệt hại về tài sản, chữa bệnh được cơ quan bảo hiểm bồi thường; (2) Xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi có tài sản bị thiệt hại. Trường hợp cá nhân bị bệnh hiểm nghèo phải có xác nhận của cơ sở KCB; chi phí KCB có đầy đủ chứng từ quy định (điểm c khoản 3).

Tuy nhiên, trong ý kiến gửi về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số doanh nghiệp (DN) cho rằng, quy định trên cần được xem xét ở một số điểm. Cụ thể, việc yêu cầu cùng một lúc hai loại tài liệu (1), (2) là chưa hợp lý và chưa rõ ràng, bởi vì chi phí KCB có xác nhận của cơ sở KCB là chi phí thực tế mà người bệnh phải chi trả. Chi phí này trong nhiều trường hợp lớn hơn chi phí do cơ quan bảo hiểm chi trả. 

“Việc yêu cầu cả hai loại tài liệu này để xác định chi phí chữa bệnh khiến cho quy định trở nên thiếu rõ ràng, cơ quan nhà nước sẽ căn cứ vào tài liệu do cơ quan bảo hiểm chi trả hay là chi phí thực tế mà người bệnh phải chi trả?” – VCCI nhận định.

Bên cạnh đó, cộng đồng DN cho rằng, việc đề nghị miễn, giảm tiền phạt VPHC phải dựa trên mức độ khó khăn, thiệt hại của người đề nghị, tức là phải dựa trên các chi phí thiệt hại thực tế. Tài liệu chi trả của cơ quan bảo hiểm không phản ánh được chi phí này, vì vậy yêu cầu phải có tài liệu này là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục cho người đề nghị.

Theo đó, cộng đồng DN kiến nghị bỏ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 33 của Dự thảo. Đồng thời, quy định rõ về nội dung UBND cấp xã xác nhận.

Còn quy định về các trường hợp không miễn, giảm, khoản 5 Điều 33 Dự thảo quy định “không miễn, giảm tiền phạt VPHC đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan”. Tuy nhiên, VCCI cũng cho rằng, quy định này là chưa hợp lý, bởi vì mục tiêu của quy định miễn, giảm tiền phạt xuất phát từ yếu tố nhân đạo khi người được miễn, giảm gặp hoàn cảnh khó khăn do thiệt hại về tài sản, hàng hóa, chi phí chữa bệnh. Việc họ đã thực hiện xong quyết định xử phạt VPHC không có nghĩa họ không bị thiệt hại về tài sản hay sức khỏe và sử dụng căn cứ này để không cho họ được miễn, giảm tiền phạt dường như đi ngược lại mục tiêu của quy định này. Theo đó, VCCI đề nghị bỏ các quy định trên.

Xử phạt về ghi nhãn hàng hóa xuất, nhập khẩu chưa thống nhất

Theo quy định tại khoản 2, điểm a khoản 8 Điều 21 Dự thảo thì sẽ phạt tiền và buộc đưa ra khỏi lãnh thổ hoặc tái xuất đối với tang vật vi phạm của hành vi “nhập khẩu hàng hóa có nhãn hàng hóa không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa”. Quy định này có thể được hiểu, nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa sẽ bị xử phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả trên. 

Tuy nhiên, một số DN cho rằng, quy định này là chưa thống nhất với các quy định khác có liên quan. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 119/2017/NĐ-CP thì “đối với hàng hóa nhập khẩu chưa được thông quan thì áp dụng Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan để xử phạt đối với các vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa”. Có nghĩa, Dự thảo sẽ điều chỉnh các hành vi vi phạm của pháp luật về nhãn đối với hàng hóa nhập khẩu chưa thông quan.

Còn khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định “hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc”. Theo quy định này thì nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với quy định của pháp luật về nhãn tại thời điểm trước khi đưa ra lưu thông, không được xem là vi phạm.

Như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 21 Dự thảo là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Theo đó, để đảm bảo tính thống nhất của quy định, cộng đồng DN đề nghị bỏ quy định tại khoản 2 Điều 21 Dự thảo.

Đọc thêm