Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý thuế: Vừa thừa vừa thiếu

(PLVN) - Mặc dù dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế (QLT) đưa ra lấy ý kiến dày cả trăm trang nhưng nhiều nội dung đang vướng, hiện vẫn chưa được đưa vào dự thảo…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Choáng” với dự thảo

Tại hội thảo "Góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về QLT" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức hôm 23/3, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, ông cảm thấy "choáng" khi nhận được hồ sơ của Dự thảo thông tư vì có rất nhiều tài liệu, thuyết minh chi tiết, mẫu biểu cùng bản Dự thảo “đồ sộ” dày cả gang tay.

Ông Tuấn cho rằng, ngoài yếu tố kỹ thuật, dự thảo Thông tư còn rất nhiều nội  dung mới do vậy không chỉ có nhân viên kế toán của DN quan tâm mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người nộp thuế (bao gồm cả DN, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân).

“Dự thảo có quá nhiều nội dung, bản thân tôi cũng đọc trước quên sau thì  không hiểu kế toán của DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ thế nào?”, bà Hà Thị Tường Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kế toán, kiểm toán băn khoăn. 

Vì vậy, bà Vy đề nghị Bộ Tài chính tách làm thông tư này thành 2 thông tư  khác nhau, một thông tư quy định cụ thể về kế toán, kê khai thuế và thông tư còn lại hướng dẫn chung về QLT. 

Để cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu khó khăn, phiền hà cho DN trong việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật, những quy định đã được luật hóa thì nghị định hướng dẫn không nhắc lại, kể cả làm rõ thêm; những quy định đã được luật hóa hoặc đã được quy định trong nghị định hướng dẫn thì thông tư hướng dẫn không được quy định lại, kể cả là quy định cụ thể, chi tiết.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) Nguyễn Thị Cúc cho rằng, đây là bước cải cách thủ tục trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với hướng dẫn QLT thì việc xây dựng văn bản “tất cả trong một” thực sự gây khó cho DN vì DN phải tra cứu đồng thời cả luật, nghị định lẫn thông tư trong khi đó, những quy định trong luật, nghị định rất khó thực hiện vì chỉ quy định nguyên tắc, không chi tiết.

Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai, kế toán thuế (Tổng cục Thuế) - cho biết, Ban soạn thảo không thể làm khác được vì theo quy định những nội dung nào mà Luật QLT, Nghị định 126/2020/NĐ-CP không giao Bộ Tài chính hướng dẫn thì không được ban hành thông tư hướng dẫn vì vậy không có cách gì khác là DN đồng thời phải nắm chắc cả luật, nghị định và thông tư thay vì chỉ cần nắm chắc thông tư hướng dẫn như hiện nay.

Doanh nghiệp vẫn bị khó

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), nhiều quy định trong Dự thảo quá chặt chẽ, chỉ tạo thuận lợi cho việc QLT nhưng gây phiền hà cho DN, người nộp thuế, trong đó quy định về hoàn thuế trong dự thảo là một trong những ví dụ điển hình.

Phân tích về quy định này, bà Phạm Thu Trang, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế Công ty Kiểm toán Ernst & Young Vietnam - cho rằng, mặc dù dự thảo quy định, trường hợp DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế chưa khấu trừ hết đề nghị hoàn, có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn trả nhưng việc được hoàn trả tiền thuế sẽ không hề dễ dàng nếu không quy định cụ thể thời gian tối đa hoàn thuế cho DN.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA, nhiều nội dung liên quan tới những bất cập mà người nộp thuế đang gặp vướng mắc chưa được đề cập trong dự thảo Thông tư hướng dẫn QLT, như: DN không đủ lãi thu theo cam kết và bị phạt thuế thì xử lý ra sao? Việc khai tạm để tính thuế hiện đang phải nộp đủ 100% là bất hợp lý hay việc phân bổ làm 4 quý để tạm nộp 75% số thuế đối với các DN sản xuất có đúng không, được hướng dẫn xử lý như thế nào?

Ngoài ra, Chủ tịch VTCA cũng cho biết, dự thảo hướng dẫn về các quy định  khai tính thuế, quyết toán thuế phân bổ thuế GTGT đối với đơn vị phụ thuộc địa điểm kinh doanh của người nộp thuế là chưa rõ ràng…

Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định của Luật QLT cần tiếp tục được nghiên cứu thêm để sửa đổi những vấn đề còn chưa hoàn thiện và chưa giải quyết thấu đáo những vướng mắc hiện thời của DN.

Đọc thêm