Đưa cà phê Việt “lên thẳng” quầy kệ siêu thị lớn trên thế giới

(PLVN) - Trong khi xuất khẩu (XK) liên tục sụt giảm ở nhiều mặt hàng, ở nhiều quốc gia thì cà phê Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định. Mở rộng thị phần và gia tăng giá trị cho cà phê Việt đang là vấn đề được Bộ Công Thương đẩy mạnh trong thời gian gần đây.
Cà phê Việt đang tìm đường “lên thẳng” các quầy kệ ở các siêu thị lớn trên thế giới
Cà phê Việt đang tìm đường “lên thẳng” các quầy kệ ở các siêu thị lớn trên thế giới

Định hình thương hiệu cà phê Việt

Cà phê được đánh giá là ngành hàng quan trọng, đóng góp 3% GDP cả nước, kim ngạch XK nhiều năm nay đều trên 3 tỷ USD, chiếm 15% tổng XK nông sản của cả nước. Đáng chú ý, dù tình hình kinh tế thế giới biến động theo chiều hướng xấu, sức mua sụt giảm nhưng kim ngạch XK cà phê của Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 8,2%/năm. 

Các sản phẩm cà phê Việt đã XK đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần XK cà phê nhân toàn cầu (đứng thứ 2, sau Brazil). Đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan XK đã chiếm 9,1% thị phần, đứng thứ 5 trên toàn thế giới (sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ). EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch XK cả nước; tiếp theo là Đông Nam Á, chiếm 13% tổng lượng và tổng kim ngạch…

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, các nước XK cà phê hàng đầu thế giới như Brazil, Indonesia, Colombia… đều chủ yếu XK cà phê dưới dạng hạt, tức là chỉ dừng ở hoạt động sơ chế sau thu hoạch. Một số nước có hoạt động rang và xay nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng XK cà phê. Riêng với Việt Nam, hoạt động sơ chế sau thu hoạch đã được chú trọng nhiều năm nay. Do đó, hiện giá bán cà phê Robusta của Việt Nam đã tiệm cận với giá thị trường thế giới (trước đó giá bán tại cảng Việt Nam thấp hơn tới 400 - 500 USD so với giá tham chiếu tại Sở Giao dịch hàng hóa Luân Đôn). 

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, hiện cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân (với tổng công suất thiết kế 1.503 triệu tấn/năm), 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay (tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm), 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan (tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm) và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn (tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm). Tất cả đều đạt công suất thực tế trên 80%/năm, riêng cà phê hòa tan đạt tới 97,9%/năm, trong đó cà phê bột của Trung Nguyên, cà phê hòa tan của Vinacafe đã chiếm lĩnh được cả thị trường trong nước và nhiều thị trường khác trong khu vực, đồng thời đã bước đầu xây dựng được thương hiệu cà phê Việt. 

Sử dụng mạng lưới doanh nghiệp Việt kiều

Công tác mở cửa thị trường cho cà phê Việt và hàng hóa nông sản nói chung  được Bộ Công Thương chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành đàm phán ký kết và thực thi thông qua 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, với 16 FTA đã ký, những thuận lợi về thuế quan, quy tắc xuất xứ... của các mặt hàng nông sản nói chung, cà phê nói riêng đã được tận dụng tối đa, qua đó tạo ra một thị trường rộng lớn cho ngành cà phê Việt Nam. 

Theo các điều khoản ở các FTA đã ký kết, thuế suất đối với cà phê nhân của Việt Nam vào các nước nhập khẩu (NK) đều bằng 0, phần lớn thuế suất thuế NK đối với cà phê đã chế biến bằng 0, trừ một số nước còn duy trì mức thuế NK theo lộ trình từ 5-10% đến năm 2020. Được biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện công tác đàm phán mở cửa thị trường cho mặt hàng cà phê thông qua các FTA đang triển khai như Việt Nam - Cuba, Việt Nam - Israel, Việt Nam - EFTA, RCEP… Đồng thời tận dụng tiến trình rà soát các FTA đã được đưa vào thực thi để đề nghị các đối tác mở cửa thêm cho cà phê XK của Việt Nam. 

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo và hướng dẫn các DN phân phối trong nước cũng như có vốn đầu tư nước ngoài triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài để tiêu thụ cà phê qua các hệ thống phân phối ngoài nước trong khuôn khổ Đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối ở nước ngoài đến năm 2020. 

Đề án này sẽ trực tiếp đưa cà phê Việt vào thị trường quốc tế, thông qua các hoạt động như tổ chức các chương trình đưa cà phê, trái cây vào hệ thống Lotte Mart, Emart tại Việt Nam và Hàn Quốc, tổ chức “Tuần hàng nông sản Việt Nam tại Pháp”, “Những ngày hàng Việt tại CHLB Đức” để đưa nông sản nói chung và cà phê nói riêng vào hệ thống phân phối của Tập đoàn Casino (Pháp), Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức)… 

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ từng bước cải tiến hoạt động kết nối XK theo hướng gắn kết DN Việt kiều tại Thái Lan, Pháp, Đức, Úc… với DN trong nước, sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ DN cà phê Việt Nam tìm hiểu và mở rộng thị trường XK, góp phần hỗ trợ thành công tiêu thụ mặt hàng này trong các hệ thống siêu thị tại nước ngoài.

Đọc thêm