Đưa nguồn vốn chất lượng cao của EU vào Việt Nam

(PLO) - Thúc đẩy cải cách, tạo ra khuôn khổ pháp lý điều tiết quan hệ song phương và giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại, đầu tư, đem lại cơ hội cho doanh nghiệp và người tiêu dùng EU và Việt Nam là những gì mà Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EV FTA) mang lại.
Đưa nguồn vốn chất lượng cao của EU vào Việt Nam

Tại tọa đàm về triển vọng EV FTA do Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức sáng qua (2/3), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng EV FTA sẽ củng cố tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai bên với các lợi ích mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh.

“Đường cao tốc không toàn hoa hồng”

Đó là hình ảnh ví von mà ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra về EV FTA – cơ hội để Việt Nam kết nối với 28 thị trường hàng đầu thế giới ở châu Âu. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, EV FTA sẽ thúc đẩy luồng vốn đầu tư hai bên, nhất là nguồn vốn có chất lượng cao của EU vào Việt Nam; các cam kết tự do hóa thương mại, bảo hộ trí tuệ, cơ hội tiếp cận thị trường của nhau trên cơ sở đảm bảo lợi ích cân bằng. Do đó, “Việt Nam sẽ ưu tiên thúc đẩy triển khai các bước để ký kết, phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực chậm nhất vào năm 2018” – Bộ trưởng khẳng định.

Để khai thác tốt lợi thế do Hiệp định này mang  lại, Bộ trưởng mong doanh nghiệp (DN) hai bên chủ động nghiên cứu EV FTA, xây dựng kế hoạch đầu tư kinh doanh để hài hòa hai khu vực công- tư, tăng cường hiểu biết cũng như cùng giải quyết các vấn đề tồn tại trong hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và EU… Còn Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc hy vọng EU dành nhiều hơn cho Việt Nam, đặc biệt hỗ trợ kỹ thuật để DN Việt Nam kết nối với các DN EU. “Sự kết nối này rất quan trọng vì Việt Nam sẽ là công xưởng của thế giới sau khi ký kết các FDA” – ông Lộc nhấn mạnh. 

Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị EU sẽ “tiếp tay” cho các DN vừa và nhỏ của EU đầu tư vào Việt Nam - điểm kết nối thích hợp nhất cho các DN Việt Nam vì các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức để kết nối với các doanh nghiệp lớn của châu Âu”. Đồng thời, “Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tiếp thu các kinh nghiệm thực tiễn về quản trị DN tốt nhất trên thế giới từ EU để phấn đấu đạt đến chuẩn mực cao nhất của các nước ASEAN về quản trị nhà nước, quản trị DN” – Chủ tịch VCCI đặt hàng với EuroCham và EU.

Tự thay đổi và cải cách

Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet tin tưởng EV FTA sẽ “kích hoạt một làn sóng đầu tư chất lượng cao lớn hơn của châu Âu vào Việt Nam và thúc đẩy hội nhập sâu và giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam”. Nhưng chỉ đạt được điều này khi chính Việt Nam phải “tăng cường cung cấp cho các công ty châu Âu ở Việt Nam để họ có thể tìm nguồn tại chỗ thay vì nhập khẩu linh kiện” – ông Bruno Angelet nói. Cùng với đó, bản thân các DN Việt Nam phải phát triển thông qua thương mại, xuất khẩu và khai thác các thị trường châu Âu, tự tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế nội địa.

Đại diện các tiểu ban của EuroCham đều nhấn mạnh Việt Nam là thị trường nhiều tiềm năng để các DN châu Âu phát triển các sản phẩm. Tuy nhiên, dù có EV FTA, các DN châu Âu vẫn đang vướng vào “mớ lùng nhùng” một số vấn đề từ chính các quy định của pháp luật về thị trường ở Việt Nam, trong đó nhiều vấn đề đã được “kêu” từ nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, DN thường “kêu” về giấy phép “con”, thủ tục hành chính nên “Việt Nam đã cố gắng lắng nghe để điều chỉnh, thực hiện tốt hơn trong thời gian tới”.

Trước những lo ngại của các DN châu Âu về việc “2 Bộ cùng quản một lĩnh vực” (như việc Công Thương và Tài chính cùng phê duyệt toàn bộ sản phẩm bảo hiểm nhân thọ gồm các mẫu hợp đồng, bản quy tắc và điều khoản), ông Lương Hoàng Thái trấn an “không có sự “lặp đi lặp lại” vì sẽ quản ở các nội dụng khác nhau”. Ngoài ra, ông Đinh Nam Thắng - Phó Cục trưởng Cục Chính sách thuế, Bộ Tài chính khẳng định, Việt Nam đã đơn giản hóa nhiều chính sách về thuế, thể hiện qua dự thảo các luật về thuế (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XIII xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 11 sắp tới và nhận định, cùng với việc thực thi EV FTA sẽ tạo môi trường về kinh doanh thuận lợi cho DN cả hai bên.

Công bố Sách Trắng 2016 về hợp tác kinh tế thương mại EU - Việt Nam

Sách Trắng về thương mại và đầu tư của Việt Nam được EuroCham chính thức công bố sáng nay (2/3) tại Hà Nội đưa ra các vấn đề cũng như những kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trên các lĩnh vực quan trọng của môi trường thương mại, đầu tư tại Việt Nam.

Ông Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, Sách Trắng 2016 đề cập đến các vấn đề then chốt về đầu tư trực tiếp nước ngoài, quản trị doanh nghiệp, năng lượng, tăng trưởng xanh, phát triển nguồn nhân lực, quyền sở hữu trí tuệ, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, đối tác công – tư, thuế, vận tải, hậu cần… Theo Chủ tịch EuroCham, bà Nicola Connolly, Sách Trắng 2016 còn là cẩm nang cho các bộ, ban, ngành và cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu phát triển môi trường kinh doanh tại Việt Nam. 

Dựa trên những nghiên cứu của EuroCham, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý 3 đạt 74/100, cao thứ hai so với những chỉ số từ trước đến nay. Tuy vậy, theo Sách Trắng 2016, vẫn còn một số điểm mà các doanh nghiệp EU lo ngại khi làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Đó là tính thiếu minh bạch, trách nhiệm giải trình và thực hiện khuôn khổ pháp lý. Giáo dục đào tạo và cung ứng nguồn lao động có chuyên môn cũng là lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu. Ngoài ra, cải cách hành chính, thuế doanh nghiệp cũng là vấn đề mà doanh nghiệp EU cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy cải cách hơn nữa.

Đọc thêm