Dựa quá nhiều vào khu vực FDI: Tiềm ẩn nhiều bất trắc cho nền kinh tế!

(PLO) - Xuất siêu lớn của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tuy góp phần quan trọng mang lại một năm thặng dư thương mại cao, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại việc phụ thuộc vào khu vực kinh tế này đang tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế.  
Đóng góp của kinh tế nội địa rất thấp so với khu vực FDI
Đóng góp của kinh tế nội địa rất thấp so với khu vực FDI

FDI góp phần tăng trưởng kinh tế

Theo báo cáo Kinh tế Vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố mới đây, chỉ số xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố được cải thiện mạnh mẽ.

Sau khi tăng 8 bậc từ năm 2016 sang năm 2017, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam 2017 - 2018 tiếp tục nhảy 14 bậc, phản ánh kết quả tích cực của ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải cách hành chính và môi trường đầu tư. Điều đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Khảo sát về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện cũng cho thấy nhiều dấu hiệu lạc quan. Trong số các DN tham gia khảo sát, có 44,8% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 4/2017 tốt hơn so với quý 3/2017. Trong khi đó, chỉ có 18,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất khó khăn hơn. Tỷ lệ này được cho là cao hơn so với  quý trước (41,5%) và cao hơn so với cùng kỳ năm trước (41,2%). 

Về tình hình hoạt động, thống kê cũng cho thấy, số DN thành lập mới đã tăng mạnh trở lại vào quý 4/2017 với mức trung bình 10.964 DN thành lập mới mỗi tháng khiến cả năm 2017, cả nước đã có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 15,2% so với năm 2016, với 1.295,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký, tăng 45,4%. 

Tuy nhiên, số DN tạm ngừng hoạt động cả năm 2017 được ghi nhận vẫn còn rất cao: 60.553 doanh nghiệp. Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hội nhập sẽ dồn tiếp những sức ép đối với cộng đồng DN Việt Nam khiến số DN ra khỏi thị trường được dự báo sẽ còn rất cao. Chuyên gia kinh tế này nói, cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ là lớn, là liên tục nhưng vẫn có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. 

Bà Lan cho rằng, các cấp bên dưới vẫn không có chuyển biến gì đáng kể cho nên môi trường kinh doanh đối với DN cũng vẫn còn vô vàn khó khăn nhất là về mặt thuế, phí, những chi phí không chính thức vẫn tăng cao và vẫn làm cho các DN khó khăn và tiếp tục rút khỏi thị trường. “Ngoài ra, về cuối năm có vẻ như Bộ Tài chính đang muốn bảo vệ đề xuất của mình vào năm ngoái mà đã bị nhiều phản ứng về việc tăng thuế. Nếu tiếp tục tăng thuế như vậy thì sức chịu đựng của nền kinh tế nội địa, của DN trong nước sẽ ra sao đây trong năm 2018 với rất nhiều thách thức”, bà Lan cảnh báo.  

Nhưng cũng tạo ra lo lắng

Thống kê cho thấy, tại thời điểm 1/12/2017, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016. Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động ở khu vực nhà nước tiếp tục giảm, trong khi ở khu vực FDI ghi nhận mức tăng khá cao là 6,9%. Điều này cho thấy khu vực vốn FDI tiếp tục là đầu tàu cho sự phục hồi sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu. 

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho biết: Động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam hiện nay là đầu tư nước ngoài. Theo ông Tuyển, GDP của khu vực FDI chiếm xấp xỉ 20%, giá trị sản xuất công nghiệp của đầu tư nước ngoài chiếm trên 50%, kim ngạch xuất khẩu của đầu tư nước ngoài là 73%. “Kinh tế Việt Nam phát triển như vậy liệu có bền vững không? Giả sử có biến động gì đấy thì rõ ràng kinh tế của chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn”, ông Tuyển lo ngại.  

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, “chúng ta rất hoan nghênh những nỗ lực, tiến bộ của năm 2017 nhưng chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật rằng sự đóng góp của kinh tế nội địa rất là thấp. Chúng ta dựa vào DN đầu tư nước ngoài quá nhiều”.  

Xuất siêu lớn của khu vực FDI một mặt góp phần quan trọng mang lại một năm thặng dư thương mại cao, mặt khác đặt ra câu hỏi về tính bền vững của nền kinh tế nội địa khi phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn liên quan đến địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới. 

Đọc thêm