Đừng lập Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ chỉ vì ưu đãi

(PLO) - Ông Đào Quang Thủy - Cục Phát triển thị trường và DN (Bộ KH&CN) cho hay, Việt Nam hiện có 303 DN KH&CN. Mặc dù, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN KH&CN như vốn vay lãi suất thấp, miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế thu nhập DN và một số ưu tiên khác phục vụ việc nghiên cứu, nhưng cho đến nay, số lượng DN đủ điều kiện để hưởng những ưu đãi này rất ít. Hiện cả nước mới có 14 DN được miễn giảm tiền thuê đất.
Đừng lập Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ chỉ vì ưu đãi

Theo ông Lưu Hải Minh - Giám đốc Cty CP Công nghệ mới Nhật Hải, để trở thành DN KH&CN thì phải thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện: có sở hữu công nghệ của riêng mình, sở hữu công nghệ do nước ngoài chuyển giao hoặc được nhà nước chuyển giao công nghệ đã nghiên cứu thành công. 

Liên quan tới vấn đề này, bà Đỗ Tú Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp cũng cho biết, Chính phủ dành cho DN KH&CN nhiều ưu đãi, nhưng DN đó phải biết chấp nhận khó khăn, để mang đến sản phẩm có giá trị, mang đến lợi ích thực sự cho người tiêu dùng. DN KH&CN phải biết mình đang làm gì, có giá trị gì hay không chứ không phải chuyển sang lĩnh vực này chỉ để hưởng ưu đãi.

“Tại nhiều cuộc giao lưu giữa các đối tượng khởi nghiệp với nhà đầu tư, đối  tượng khởi nghiệp thường trình bày nhu cầu về vốn. Tuy nhiên, khi được nhà đầu tư hỏi lại là sẽ sử dụng nguồn vốn đó để làm gì và như thế nào thì thường ít người trả lời được đầy đủ.Vì thế, các đối tượng khởi nghiệp cần chủ động học hỏi các kiến thức về tài chính DN và lập kế hoạch kinh doanh, trước khi có ý định tự lập hay chuyển sang hình thức DN KH&CN. Nếu làm DN khoa học công nghệ chỉ để hưởng ưu đãi thì đó là cách tiếp cận sai lầm, vì tạo ra giá trị thực sự về khoa học công nghệ không phải việc dễ” - bà Anh nhận định.

Ngoài ra, theo một số đại diện DN, nếu muốn thành công trong lĩnh vực KH&CN, DN phải biết chọn cho mình hướng đi. Tức phải chọn loại sản phẩm và đưa ra những yếu tố công nghệ mà họ muốn làm.

Đọc thêm