Đừng lấy sở đoản của mình quản sở trường người khác

(PLVN) - TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nói như vậy sau 1 năm quan sát hoạt động của Ủy ban vốn - cơ quan được giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp trọng yếu nhất của nền kinh tế.

Từ ngày ra mắt đến nay, theo ông, Ủy ban vốn đã làm được những điều gì? 

- Điều quan trọng đầu tiên mà tôi cho rằng Ủy ban đã làm được là khâu ổn định tổ chức bộ máy, đã xây dựng quy chế làm việc nội bộ giữa Ủy ban vốn với các Tổng công ty, Tập đoàn; Có kế hoạch đào tạo, hình thành cơ chế luân chuyển cán bộ từ Ủy ban xuống tập sự tại các phòng, ban của các Tổng công ty, Tập đoàn. 

Điều thứ hai là đã tạo được mối quan hệ với các Tổng công ty, Tập đoàn để các Vụ chuyên môn của Ủy ban làm quen và nắm bắt được các hoạt động toàn diện của các doanh nghiệp. Tất nhiên, trong số các cán bộ của các Vụ thuộc Ủy ban cũng có nhiều người từ cơ sở lên nhưng khi họ ở các Tổng công ty, Tập đoàn thì cũng chỉ theo dõi một ngành rất hẹp. Nhưng khi lên làm việc tại Ủy ban thì buộc phải có kiến thức của nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. 

Điều thứ 3 là Ủy ban vốn đã bước đầu rà soát và tiến hành thống kê nguồn vốn ở doanh nghiệp. Chúng ta biết là nguồn vốn các Tổng công ty, Tập đoàn  rất đa dạng. Bao gồm vốn do Nhà nước cấp, nguồn vốn hình thành từ vốn vay có sự bảo lãnh của Chính phủ, nguồn vốn từ bảo lãnh của doanh nghiệp (mà doanh nghiệp lại lấy tài sản được hình thành từ bảo lãnh của Chính phủ để bảo lãnh), rồi vốn vay  từ cái hoạt động liên doanh, liên kết… nguồn này rất đa dạng và biến động liên tục. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên

Có dư luận một số doanh nghiệp sau khi về Ủy ban vốn đã “kêu” gặp phải khó khăn khi “quyết” một vấn đề gì đó của doanh nghiệp? Theo ông cần phải làm gì để Ủy ban vốn có thể tròn “vai”, còn doanh nghiệp vẫn có quyền tự chủ? 

- Theo quan điểm của tôi, cơ chế vận hành mô hình Ủy ban vốn hiện nay không phải là vai trò của chủ sở hữu. Ở đây, chúng ta đang nhầm lẫn một khái niệm rất cơ bản là vốn của chủ sở hữu và vốn của doanh nghiệp. Vai trò của Ủy ban là quản lý vốn tại doanh nghiệp hay là quản lý vốn của chủ sở hữu? Phải tách bạch được rõ ràng vấn đề này thì mới không còn gặp những chuyện kêu khó như vậy. Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta phải chấp nhận vốn của chủ sở hữu có sự khác biệt so với vốn của doanh nghiệp. 

Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?

-Tôi ví dụ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) có các dự án ở biển Kiên Giang, Cà Mau hay dự án Cá Voi Xanh. Đấy là việc của họ, Ủy ban không quản lý. Ủy ban chỉ giao nhiệm vụ trong năm 2020, PVN phải triển khai đầu tư một nhà máy điện khí, có thể ở bất kỳ địa điểm nào mà PVN cho là hợp lý, nhưng phải triển khai. Tổng vốn đầu tư Ủy ban có thể cho phép huy động lên đến 30.000 tỷ đồng chẳng hạn. 

Nếu PVN xây dựng được một phương án như thế và báo cáo họ chỉ lo được 15.000 tỷ và 15.000 tỷ còn lại Ủy ban vốn phải bảo lãnh. Đây chính là lúc Ủy ban vào cuộc, đồng ý bảo lãnh và xem phương án thực hiện ra sao. Ví dụ, với 15.000 tỷ đồng bảo lãnh ấy thì sau 2 năm nhà máy phải đi vào hoạt động, 7 năm sau thì phải trả hết vốn vay. Đây mới là cách quản lý của Ủy ban. Còn hình thức chọn nhà thầu nào chọn công nghệ gì, các giai đoạn thi công ra sao… là việc của PVN, doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm về các vấn đề đó.

Như ông nói ở trên, có phải Ủy ban vốn chỉ cần quan tâm đến số tiền vốn của Nhà nước đã đầu tư trong các dự án đó?

- Đúng vậy. Ủy ban vốn chỉ cần quan tâm đến phần vốn nhà nước đã được giao quản lý thôi. Theo tôi, sau này cần tiến đến việc Ủy ban sẽ chỉ cần báo cáo từ các Tập đoàn, Tổng công ty tình hình biến động tổng số vốn Uỷ ban quản lý.

Ví dụ, Ủy ban quản lý 500.000 tỷ đồng trong phần vốn của PVN, lãi suất của ngân hàng là 7%/năm thì mỗi năm PVN phải nộp về Ủy ban 35.000 tỷ đồng (là lãi trên vốn) và phải nộp thêm một khoản nữa là lợi nhuận thu về (ví dụ, chia cổ tức 10%/năm là 50.000 tỷ). Tức là hàng năm, PVN phải nộp về 85.000 tỷ đồng, Ủy ban vốn chỉ quản lý tỷ lệ nộp về này cho đúng. Nếu phần nộp về này vượt thì PVN cần cho Ủy ban biết định làm gì với phần vượt này, nếu định đầu tư tiếp thì Ủy ban chỉ quản lý phần đấy thôi, không đi sâu vào các dự án đầu tư của các Tổng công ty, Tập đoàn. Quan điểm của tôi thì Ủy ban phải hoạt động như thế. Chứ “ông” không thể can thiệp việc chuyện duyệt các vấn đề chi tiết dự án bởi những vấn đề như thế, người của Vụ Năng lượng thuộc Ủy ban vốn không thể giỏi bằng một ông chuyên viên của PVN. Do đó, đừng có lấy sở đoản của mình để “quản” sở trường của người khác. Làm như thế sẽ tạo ra sự trì trệ trong quá trình vận hành.

Xin cảm ơn ông!

“Những khó khăn mà Ủy ban này gặp phải cũng là vấn đề bình thường. Bất cứ một mô hình nào mới cũng cần thời gian sắp xếp. Ngay cả việc hành khách lên ô tô cũng cần phải xếp chỗ, thì việc đưa 19 Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế về Ủy ban vốn, trong điều kiện từ lãnh đạo đến các cán bộ chưa có kinh nghiệm thì chuyện “va nhau” là điều không khó lý giải”, TS. Nguyễn Đức Kiên.

Đọc thêm