Được dùng trụ sở làm việc thanh toán cho các dự án BT

(PLVN) - Ngoài cơ chế thanh toán bằng quỹ đất, tới đây khi Nghị định 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 69) quy định việc sử dụng tài sản công (TSC) để thanh toán cho nhà đầu tư  khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Dự án BT) có hiệu lực, nhà đầu tư còn được thanh toán bằng trụ sở làm việc và các tài sản khác…
Nhà đầu tư Dự án BT có thể được Nhà nước thanh toán bằng trụ sở làm việc. 
(Ảnh minh họa)
Nhà đầu tư Dự án BT có thể được Nhà nước thanh toán bằng trụ sở làm việc. (Ảnh minh họa)

Đây là điểm đáng chú ý nhất của NĐ 69 so với quy  định hiện hành về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư (NĐT) khi thực hiện Dự án BT (Quyết định 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 183/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ Tài chính). Theo đó, ngoài cơ chế thanh toán bằng quỹ đất, NĐ 69 quy định bổ sung thêm việc sử dụng một số loại TSC khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC để thanh toán cho NĐT thực hiện Dự án BT.

Cụ thể các TSC được sử dụng để thanh toán bao gồm: Quỹ đất; Đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (cơ quan, tổ chức, đơn vị); Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; Các loại TSC khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản , Bộ Tài chính, ông La Văn Thịnh lý giải, sở dĩ NĐ 69 mở rộng các TSC được thanh toán cho NĐT thực hiện Dự án BT là trên cơ sở Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017. Theo đó, ngoài việc thanh toán bằng quỹ đất cho NĐT khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT (Điều 117), Nhà nước cho phép sử dụng TSC để thanh toán cho NĐT khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT (khoản 1 Điều 44). 

 Về việc sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán cho NĐT thực hiện Dự án BT, NĐ 69 cũng quy định rõ việc xác định giá trị trụ sở làm việc và thẩm quyền quyết định sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán Dự án BT.

Theo đó, giá trị trụ sở làm việc thanh toán Dự án BT là giá trị quyền sử dụng đất và giá trị của tài sản trên đất xác định tại thời điểm UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đồng thời, không thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi xác định giá trị trụ sở làm việc thanh toán; Giá trị trụ sở làm việc để thanh toán Dự án BT được xác định tại thời điểm UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không thay đổi kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định tại thời điểm ký Hợp đồng BT, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến thay đổi giá trị trụ sở làm việc thanh toán.

NĐ 69 cũng lưu ý, giá trị trụ sở làm việc thanh toán thực tế là giá trị trụ sở làm việc thanh toán sau khi đã được điều chỉnh theo các Phụ lục Hợp đồng BT.

Để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, sử dụng TSC, đặc biệt đối với các loại TSC có giá trị lớn như trụ sở làm việc; đồng thời, phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng TSC, tại NĐ 69 quy định việc sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán Dự án BT thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC và được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

NĐ 69 cũng lưu ý, việc thanh toán Dự án BT bằng trụ sở làm việc thực hiện tương tự như đối với trường hợp thanh toán cho NĐT thực hiện Dự án BT bằng quỹ đất.

NĐ 69 có hiệu lực từ ngày 1/10/2019. 

Bất cập, tồn tại tại các Dự án BT sẽ không có cơ hội phát sinh

Với việc ban hành NĐ 69, đại diện Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính khẳng định những tồn tại, bất cập trong thời gian qua tại các Dự án BT chắc chắn sẽ khắc phục được. Hay nói cách khác với các quy định chặt chẽ tại NĐ 69 thì các bất cập không có cơ hội phát sinh. Mặt khác để tránh việc NĐT cố tình lập dự án BT để lấy đất, trụ sở làm việc, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản cho biết, trước khi muốn thực hiện dự án BT để được thanh toán bằng quỹ đất, NĐT phải đảm bảo dự án được lập theo mô hình nào và phải thông qua đấu thầu rộng rãi, chưa kể trong một số trường hợp muốn sử dụng đất hoặc TSC để thanh toán, dự án đó phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm