Đường dây khoáng sản 'lậu' tuồn vào nhà máy xi măng?

(PLO) - Công ty TNHH Trường Thịnh (đóng tại thôn Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) chỉ được UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp. Thế nhưng đơn vị này đã có dấu hiệu ngang nhiên đưa phương tiện vào mỏ để khai thác khoáng sản rồi nhập vào hai nhà máy xi măng đóng trên địa bàn.  
Đoàn xe nối nhau đưa nguyên liệu từ “mỏ đất” Vũng Nhựa vào nhà máy Xi măng Đồng Lâm
Đoàn xe nối nhau đưa nguyên liệu từ “mỏ đất” Vũng Nhựa vào nhà máy Xi măng Đồng Lâm

“Đào trộm” khoáng sản bán giữa ban ngày?

Theo Quyết định số 134 QĐ-UBND được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký vào ngày 17/01/2014, cho phép Công ty TNHH Trường Thịnh khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp tại khu vực đồi Vũng Nhựa, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền. Diện tích khai thác 8ha, trữ lượng khai thác 350 ngàn m3, công suất khai thác 50 ngàn m3/năm, mức sâu khai thác 8m tính từ bề mặt địa hình, thời hạn cấp phép lần đầu: Năm năm kể từ ngày ký.

Như vậy, theo quyết định trên thì Trường Thịnh chỉ được khai thác đất vào mục đích san lấp như làm đường, mặt bằng... Thế nhưng, khi tổ chức khai thác tại mỏ đất ở đồi Vũng Nhựa, ngoài việc khai thác đất để san lấp các công trình, khi đến tầng dưới, phát hiện lớp khoáng sản nằm bên dưới như đất sét, laterit, đá sét đen là các loại nguyên liệu dùng sản xuất xi măng, dù chưa được cấp phép nhưng công ty này vẫn ngang nhiên khai thác.

Đi tìm câu trả lời “những chiếc xe tải tới mỏ rồi vận chuyển khoáng sản đó đi về đâu”, sau nhiều ngày tìm hiểu, lần theo những chiếc xe tải, chúng tôi đã có câu trả lời. Khoàng hơn 10h ngày 19/6/2018, có mặt tại đồi Vũng Nhựa, dù trời đã gần trưa nhưng PLVN vẫn chứng kiến nhiều xe tải hạng nặng nối đuôi nhau vào “đại công trường” để vận chuyển thứ đất đá gì đó. Tại hiện trường, một diện tích lớn bị xới tung với những chiếc máy xúc hoạt động hết công suất, tiếng động cơ rền vang cả một khu vực.

Trên con đường ra vào khu vực, từng đoàn xe rầm rập chạy kéo theo trong không khí từng đám mây bụi bay mù mịt giữa trưa hè. Hai bên đường bụi đóng thành dãy kéo dài, đặc quánh.

Trưa 19/6, PV ghi nhận các xe mang BKS 75C-07100, 75C-06245, 75C-05830… chạy xe không vào mỏ, đến lúc “ăn đầy khoáng sản” liền chở về nhập tại nhà máy xi măng Luks (thuộc công ty Hữu hạn Xi măng Luks Việt Nam) đóng tại thị xã Hương Trà. 

Ngày 25/6, PV tiếp tục ghi nhận được các xe mang BKS 27C-00205, 75C-07166, 75K-2473… cũng “ăn” đủ khoáng sản rồi cũng nhập vào nhà máy xi măng Đồng Lâm (thuộc công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm) đóng tại thị trấn Phong Điền. 

Được biết, nhu cầu nguyên liệu đất sét, quặng sắt và đá sét (phụ gia hoạt tính puzơlan) để sản xuất xi măng ở các nhà máy là khá lớn. Do đó, dễ hiểu vì sao lại có chuyện các đoàn xe tới nơi Công ty Trường Thịnh đang khai thác mỏ chở nguyên vật liệu về sản xuất xi măng.

Máy xúc hối hả làm việc tại Vũng Nhựa
Máy xúc hối hả làm việc tại Vũng Nhựa

“Phải vàng, bạc gì đâu mà báo cáo”

Đơn vị khai thác mỏ nói gì về sự việc này? PLVN có cuộc trao đổi với ông Trương Duy Trường (Giám đốc Công ty TNHH Trường Thịnh). Ông Trường nói: “Tôi đào đất trong diện tích được cấp phép, như vậy tôi bán là không sai. Cứ múc đất lên xe là tôi có tiền, họ đưa đất đi đâu thì tùy họ, mình không biết”.

Ông Trường thừa nhận mình có đưa “đất” vào nhà máy xi măng Đồng Lâm. PV chất vấn việc nhà máy xi măng mua đất của ông trong nhiều tháng liền để làm gì? “Mình xuất hóa đơn đất thì mình bán đất. Họ mua, họ trộn vàng, trộn bạc gì đó thì tùy. Họ mua thì tôi bán thôi”.

Còn việc đưa “đất” vào nhà máy xi măng Luks, vị Giám đốc này cho rằng không hề hay biết. PV liền đưa những hình ảnh về xe tải nhận đất từ mỏ đưa về nhà máy Luks, ông này vẫn cho rằng: “Mình chỉ bán đất ở mỏ. Họ làm gì tùy họ. Ở địa bàn này, phải một mình công ty chúng tôi bán đâu. Tôi chỉ có hai chiếc xe tải Trung Quốc mà thôi. Những xe nhập vào Luks là của công ty khác mua “đất” từ mỏ tôi rồi mới nhập cho nhà máy xi măng”.

Trong mục 5, điều 2 của Quyết định số 134 về việc cho phép Công ty TNHH Trường Thịnh khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp tại khu vực đồi Vũng Nhựa có nêu rõ: Khi khai thác nếu phát hiện có khoáng sản mới khác, phải báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để có hướng giải quyết. Nói về vấn đề này, ông Trường cho rằng: “Tôi khai thác được vàng bạc gì đâu mà phải báo cáo cho Sở Tài nguyên?”.

Chính quyền ở đâu?

Mỏ đất này nằm trên đường tránh tỉnh lộ 7 và tỉnh lộ 16, cách UBND thị trấn Phong Điền và UBND huyện Phong Điền chỉ chừng 5km. Thế nhưng nhiều ngày qua, việc Công ty Trường Thịnh có dấu hiệu đào trộm tài nguyên khoáng sản diễn ra ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật, bất chấp “con mắt” giám sát, quản lý của nhiều cơ quan ban ngành. Phải chăng lực lượng nơi đây thiếu sự kiểm tra, giám sát?

Theo ông Thái Ngọc Thảo (Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền), ông chỉ biết Công ty Trường Thịnh có giấy phép khai thác đất san lấp và biết mỏ đó nằm ở đâu. “Công ty đó bán cái gì? Bán cho ai thì tôi không quản lý được. Tôi sẽ cho anh em kiểm tra lại”, ông Thảo nói.

Đem sự việc trên hỏi ông Nguyễn Văn Tùng (Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Điền), vị này cho rằng Công ty Trường Thịnh đã khai thác trên đồi Vũng Nhựa hơn bốn năm. Mới đây, công ty này vừa gia hạn giấy phép, hồ sơ đầy đủ. Ông Tùng cho rằng: “Giữa tháng 6/2018, chúng tôi có thành lập đoàn kiểm tra gồm công an kinh tế, công an môi trường, địa chính thị trấn. Qua kiểm tra, Công ty Trường Thịnh khai thác đúng trong vùng cho phép, độ sâu chưa vượt quy định”.

Cũng theo vị Phó trưởng phòng phụ trách Tài nguyên, Khoáng sản này: “Công ty Trường Thịnh dù bằng cách nào đó đưa đất đá nhập vào nhà máy xi măng đều sai. Vì theo quy định nếu lấy đất san lấp mà thấy khoáng sản khác thì phải khai báo ngay với Sở Tài nguyên. Không khai báo thì sẽ bị phạt nặng, thậm chí bị đình chỉ”. 

Ông Tùng tiếp tục, các nhà máy xi măng đóng trên địa bàn thiếu mỏ cung cấp nguyên liệu (đất sét, quặng sắt và đá sét) đó là điều bất cập. Có thể vì như vậy nên mới có chuyện nhà máy nhập nguyên liệu từ bên ngoài.

PLVN tiếp tục trao đổi sự việc với ông Trịnh Đức Hùng (Chủ tịch UBND huyện Phong Điền). Ông Hùng thẳng thắn chia sẻ: “Theo tôi, hiện nay việc quản lý nhà nước trong khai thác khoáng sản còn yếu kém, nhiều buông lỏng. Về việc Công ty TNHH Trường Thịnh có dấu hiệu lợi dụng khai thác mỏ đất san lấp để khai thác khoáng sản, tôi sẽ làm việc lại với Phòng Tài nguyên. Nếu công ty này sai, tôi sẽ mời Sở Tài nguyên và Môi trường ra kiểm tra và sẽ có hướng xử lý nghiêm”.

Ai cũng biết, việc cấp phép đối với mỏ đất san lấp đơn giản hơn nhiều với cấp phép khai thác những khoáng sản đưa vào nhà máy xi măng. Việc nấp dưới danh nghĩa khai thác đất san lấp để lấy cắp tài nguyên môi trường là không thể chấp nhận. Bên cạnh đó, đơn vị thu mua cũng được hưởng một khoản lợi không nhỏ khi mua những khoáng sản với giá “xà bần”.

Sở Tài nguyên và Môi trường và các công ty xi măng nói gì về sự việc này? Hành vi trên vi phạm những quy định pháp luật nào, sẽ bị xử lý ra sao?

PLVN sẽ tiếp tục làm rõ sự việc.

Đọc thêm