Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm khi giao thầu thi công cầu Ghềnh

(PLO) - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) chịu trách nhiệm hoàn toàn trước lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông thủy đoạn qua khu vực thi công cầu Ghềnh.
Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm khi giao thầu thi công cầu Ghềnh

Sau khi xảy ra sự cố sập sà lan đâm sập cầu Ghềnh, hôm 20/3, Bộ GTVT đã có văn bản ủy quyền cho Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng và được giao thầu từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành, bàn giao công trình vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp. 

Vì vậy, Tổng công ty ĐSVN phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước lãnh đạo Bộ GTVT trong việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, phù hợp với yêu cầu của công việc được giao để khi thực hiện, giao thông thủy qua khu vực thi công cầu Ghềnh phải được đảm bảo an toàn, thông suốt trong quá trình thi công cầu.

Do tính chất phức tạp của luồng trên sông Đồng Nai ở khu vực cầu và ảnh hưởng của công tác thi công cầu đến giao thông đường thủy, Bộ GTVT  yêu cầu Tổng công ty ĐSVN chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện để đảm bảo an toàn tuyệt đối giao thông đường thủy thông suốt trong quá trình thực hiện dự án.

“Ngoài lưu ý của Bộ, trong quá trình triển khai, chúng tôi yêu cầu các nhà thầu phải thực hiện nghiêm quy trình, quy phạm. Đồng thời phấn đấu rút ngắn tiến độ nửa tháng so với dự kiến “về đích” ban đầu”, ông Đới Sỹ Hưng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN cho biết sáng 13/4.

Được biết, sau khi xảy ra sự cố sập cầu, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư công trình xây dựng khôi phục cầu Ghềnh đoạn Km1699+860 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM theo lệnh khẩn cấp. Đồng thời, Thủ tướng cũng đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT và Tổng công ty ĐSVN bố trí hơn 298 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để thực hiện. Các nhà thầu như Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng GTVT (TRICC), Tổng Công ty công trình giao thông 1 - CTCP (Cienco 1), Công ty CP Tổng công ty công trình đường sắt (RCC)...  tham gia tư vấn, thiết kế, thi công công trình này.

Hiện, các dầm thép phục vụ việc khôi phục cầu đang được các nhà thầu khẩn trương sản xuất tại ba xưởng chế tạo ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và TPHCM để kịp vận chuyển đến hiện trường lắp đặt trong thời gian sớm nhất có thể.

Đọc thêm