EVN nỗ lực giảm thiểu tổn thất điện năng

(PLO) - Tổn thất điện năng đánh trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và túi tiền người sử dụng điện. Bởi vậy, giảm thiểu tổn thất điện năng luôn là vấn đề được ngành điện nỗ lực thực hiện.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, tổn thất điện năng sẽ giảm xuống còn 6,5%
Theo kế hoạch, đến năm 2020, tổn thất điện năng sẽ giảm xuống còn 6,5%

Tổn thất điện năng được hiểu là lượng điện bị mất đi trong quá trình truyền tải điện từ nơi sản xuất đến các thiết bị sử dụng điện. Việc một số người dân trộm điện năng (sử dụng điện không qua công tơ) cũng là một trong những nguyên nhân gây tổn thất điện năng. Tuy nhiên, tỷ lệ tổn thất này chiếm tỷ lệ không nhiều ở Việt Nam. 

Miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên là những nơi thuận lợi cho phát triển thủy điện, trong khi miền Nam ít thuận lợi. Lượng điện tiêu thụ và hiệu quả kinh tế ở miền Nam lại vượt trội hơn so với các vùng khác trong cả nước. Việc kéo dài đường điện từ miền Bắc vào miền Nam khiến tổn thất điện năng xảy ra.

Tuy nhiên, theo ông Lê Việt Hùng, Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thị trường tiêu thụ điện miền Nam tạo ra hiệu quả kinh tế cao nên đầu tư truyền tải điện từ Bắc vào Nam là điều tất yếu. Hơn nữa, những năm gần đây, miền Nam tự sản xuất được điện năng đáng kể từ nhiệt điện dầu, nhiệt điện khí cũng làm cho tổn thất điện năng giảm.

Viện sĩ.GS.TSKH Trần Đình Long, Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ thuật điện Quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đánh giá, tổn thất điện năng là mối quan tâm của toàn xã hội. Ông phân tích, mỗi khi có thông tin ngành điện chuẩn bị tăng giá, không chỉ hàng chục triệu người dân, mà các cơ quan ban ngành từ địa phương đến trung ương, Chính phủ, Quốc hội đều quan tâm.

“Tổn thất điện năng liên quan trực tiếp đến túi tiền người dân. Tổn thất càng cao, khách hàng trả tiền càng nhiều”, ông Long nói, thế nên người dân có quyền đặt câu hỏi mỗi lần tăng giá điện: EVN đã làm gì để giảm tổn thất điện năng? “Nhiều khách hàng khó tính chưa hài lòng với mức tổn thất hiện nay”, lời GS Long. Tuy nhiên, GS Long cũng thừa nhận, việc giảm tổn thất điện năng cần có lộ trình và vốn đầu tư cao.  

Theo VS.GS.TSKH Trần Đình Long, để giảm tổn thất điện năng cần nhiều giải pháp đồng bộ, liên quan đến cơ chế chính sách, quy hoạch và cách thức vận hành. Trong đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống điện hiện đại là yếu tố then chốt để giảm tổn thất điện.

Ông Lê Việt Hùng, Phó trưởng Ban Kỹ thuật-Sản xuất (EVN) cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, công tác giảm tổn thất điện năng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt nguồn điện chưa được cân bằng ở các miền, lưới điện đầu tư còn hạn chế, tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn với khối lượng lớn… Tuy nhiên, do nỗ lực toàn ngành, EVN đã giảm tổn thất điện năng từ 10,15% năm 2010 xuống còn 7,94% năm 2015 (giảm được 2,21%).

Theo đó, giai đoạn trên, EVN đã hoàn thành và đưa vào phát điện 34 tổ máy thuộc 17 dự án, tổng công suất 9.852 MW. Tổng công suất đặt nguồn toàn hệ thống điện đến cuối năm 2015 là 38.800 MW, trong đó công suất nguồn EVN và các GENCO sở hữu là 23.580 MW (chiếm 60,8%). Cũng giai đoạn này, công suất phụ tải cực đại tăng 2,79 lần, từ 15.416 MW năm 2010 lên 25.809 MW năm 2015; tốc độ tăng bình quân là 10,50%/năm. Điện thương phẩm năm 2015 là 143,68 tỷ kwh. Tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt gần 10,77%.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, tổn thất điện năng sẽ giảm xuống còn 6,5%. Để thực hiện được mục tiêu này, EVN đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, sẽ quản lý chặt chẽ chất lượng thiết bị, thay thế dần các thiết bị cũ, kém chất lượng. 

Trong giai đoạn 2016-2020, EVN sẽ đầu tư 24 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện, với tổng công suất 6.989 MW. Đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và các nguồn điện cấp bách khu vực phía Nam như nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 (1.244 MW), nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (660 MW), nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (1.200 MW), Vĩnh Tân 4 RM (600 MW), nhiệt điện Thái Bình (600 MW), thủy điện Lai Châu (1.200 MW), thủy điện Hội Quảng (520 MW). Việc đảm bảo tiến độ nguồn điện sẽ giúp cân bằng sản lượng, công suất các miền để giảm truyền tải xa làm tăng tổn thất điện năng.

Lưới điện cũng sẽ được EVN đầu tư. Theo đó, sẽ tiếp tục dẫn sâu điện áp cao vào trung tâm phụ tải; phát triển vành đai lưới điện ở cấp điện áp 500KV, 220KV khu vực TP.Hà Nội, TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm. Lựa chọn dây dẫn, máy biến áp đảm bảo mức mang tải của các đường dây không quá 50%, trạm biến áp không quá 75% so với công suất định mức; sử dụng dây dẫn tổn hao thấp.

Theo thống kê, tổn thất điện năng truyền tải và phân phối của toàn thế giới năm 2014 là 8% (năm 1960 là 9%). Các nước có tỷ lệ tổn thất điện năng cao chủ yếu là những nước có nền kinh tế chậm phát triển, chủ yếu ở châu Phi như Haiti 54%, Niger 34%, Bovswana 39%...

Những nước có tỷ lệ tổn thất điện năng ít như Iceland 2% (trong khi năm 1960 là 17%), Slovakia 3%, Hàn Quốc 3%, Malaysia 4%... Theo bảng thống kê này, mức tổn thất điện năng của Việt Nam là 9%, ở mức cao hơn so với trung bình của thế giới.

Đọc thêm