GDP 2017 cán đích vượt kế hoạch

(PLO) - Thông tin trên được đưa ra tại cuộc công bố chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội năm 2017. Theo đó, tổng GDP (sản phẩm trong nước) năm 2017 ước tính tăng 6,81%, trong đó quý IV tăng 7,65% (so với kỳ vọng tăng 7,41%). Mức tăng trưởng này vượt mục tiêu 6,7% đã đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2016. 
Điểm sáng xuất nhập khẩu là một trong những chỉ số đưa GDP năm 2017 vượt mức kế hoạch đề ra
Điểm sáng xuất nhập khẩu là một trong những chỉ số đưa GDP năm 2017 vượt mức kế hoạch đề ra

Chất lượng tăng trưởng cao

Trong mức tăng này, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,9%. Cùng với đó là điểm sáng tăng trưởng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng năm nay đạt kết quả tốt là tổng cầu trong nước tăng. Trong đó tổng mức bán lẻ tăng 10,9% phản ánh nhu cầu chi tiêu trong nước tăng; Tổng cầu quốc tế cũng tăng thể hiện qua con số xuất nhập khẩu của Việt Nam cán mốc kỷ lục với 400 triệu USD.

Ông Dương Mạnh Hùng (Phó Vụ trưởng Hệ thống Tài khoán quốc gia, Tổng cục Thống kê) khẳng định, tăng trưởng năm 2017 được cải thiện ở tất cả các lĩnh vực. Điểm sáng có thể kể đến trong nông lâm thủy sản là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khiến năng suất trên 1ha đất tăng (tăng gấp 4 lần so với cơ cấu cũ); Giá trị sản xuất chế biến, chế tạo tăng cao; Xuất khẩu của các sản phẩm chế biến, chế tạo cũng tăng cao, đặc biệt có sự bứt tốc nhanh vào cuối năm (quý IV tăng đột biến với 14,4 %).

Ông Lâm nhấn mạnh, con số tăng trưởng GDP là hoàn toàn tin cậy bởi vào khoảng tháng 10, ADB đã nâng con số dự báo tăng trưởng năm 2017 của Việt Nam sẽ đạt 6,7%, trong khi đó ADB luôn dự báo tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn 0,2%. Ông Lâm cũng cho rằng, chất lượng tăng trưởng năm 2017 khá tốt, thể hiện qua việc khu vực kinh tế tư nhân đang từng bước phát triển, dần khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế. 

Theo công bố, tỷ lệ đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân (khu vực ngoài nhà nước) trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây (năm 2015 chiếm 38,7%; năm 2016 chiếm 38,9%; năm 2017 chiếm 40,6%. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế. Năm 2015 chiếm 43,22%; năm 2016 chiếm 42,56%; ước tính năm 2017 là 41,8%. 

Ông Lâm khẳng định: “Những con số nêu trên chứng tỏ nếu chúng ta phát huy tốt hơn tiềm lực của khu vực kinh tế tư nhân sẽ thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và nền kinh tế sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực nhà nước và FDI”. Ông Lâm cũng cho biết, kết quả tăng trưởng tốt này thể hiện sự điều hành kịp thời linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ và các địa phương, thể hiện qua việc điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá linh hoạt và hiệu quả; giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức 1,41% thấp hơn so với mục tiêu 1,6-1,8%. 

Ông Lâm tiết lộ: “Khi quý I tăng trưởng thấp, chỉ 5,15%, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổng cục Thống kê xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý để chỉ đạo, điều hành sát sao nhằm đạt được mức tăng trưởng đề ra”. 

Chỉ số CPI được công bố tăng 3,53%. Con số này mặc dù vẫn dưới mức Quốc hội cho phép (dưới 4%) nhưng CPI đã tăng khá nhiều so với năm 2016 (2,66%).  

Theo ông Lâm, nguyên nhân chỉ số CPI tăng là có sự ảnh hưởng từ điều hành của Chính phủ như thực hiện giá dịch vụ y tế tăng bước 2 (mức tăng dành cho những người không có thẻ bảo hiểm y tế thuộc các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I do Bộ Y tế và các bộ, ngành quản lý); thực hiện lộ trình tăng học phí và mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng khoảng 7,3%. 

Điểm sáng xuất nhập khẩu

Một lần nữa, 400 tỷ USD xuất nhập khẩu trong năm 2017 lại được nhắc đến như một sự tăng trưởng đáng kể, đóng góp khá lớn vào mức tăng trưởng 6,81%. Trong đó, xuất khẩu đạt 213 tỷ USD, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.  Khu vực trong nước đạt 58,53 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu đạt 211 tỷ USD, tăng 20,8 so với năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 84,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 126,4%. 

Dù con số 400 tỷ USD được xem như là một điểm sáng của tăng trưởng kinh tế năm 2017 nhưng theo ông Lâm, cần lưu ý, nhập siêu dịch vụ dù đã giảm (3,9 tỷ USD) nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất nhập khẩu. Do vậy, nền kinh tế cần tăng trưởng các hoạt động dịch vụ như dịch vụ vận tải, bảo hiểm, tài chính.

Ngoài lưu ý này, ông Lâm còn cho biết, Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu nước ngoài. Cụ thể trong 211 tỷ USD nhập khầu có 41% nhập tư liệu sản xuất, điều này chứng tỏ, nền kinh tế phụ thuộc rất cao vào nguyên vật liệu nước ngoài. Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên là dù nhập tư liệu sản xuất nhiều nhưng tổng quan xuất siêu năm 2017 là rất đáng ghi nhận.

Chỉ số lạm phát tháng 12 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2017 tăng 1,41% so với năm 2016. Tuy nhiên, theo ông Dương Mạnh Hùng, lạm phát kích thích sản xuất tốt nhất nên ở mức 4-6%. Bởi lạm phát tăng khiến giá cả tăng sẽ kích thích tăng sản xuất. 

Đọc thêm