GDP 9 tháng đầu năm tăng cao nhất trong 9 năm qua

(PLVN) - Tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp hơn một nửa vào mức tăng chung đó…
GDP 9 tháng đầu năm tăng cao nhất trong 9 năm qua

Sáng 28/9, Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố báo cáo tổng quan kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm.

Theo số liệu công bố, quý III/2019 GDP  ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,82% của quý I và 6,73% của quý II năm nay, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,53%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,05% và khu vực dịch vụ tăng 7,11%.

Tính chung 9 tháng năm 2019, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây (GDP 9 tháng  năm 2011 tăng 6,03%; năm 2012 tăng 5,10%; năm 2013 tăng 5,14%; năm 2014 tăng 5,53%; năm 2015 tăng 6,53%; năm 2016 tăng 5,99%; năm 2017 tăng 6,41%; năm 2018 tăng 6,96%; năm 2019: 6,98%)

“Kết quả tăng trưởng khẳng định tính quyết đoán, kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019…”- Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK nhận định.

Đáng chú ý, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp nhiều nhất khi tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; tiếp đến là khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% .

Theo TCTK, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đạt mức tăng trưởng thấp do hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng, ngành chăn nuôi thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu.

Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 0,74%, chỉ cao hơn mức tăng 0,02% của cùng kỳ năm 2016 trong giai đoạn 2012-2019, đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản đạt kết quả khá với mức tăng 6,12%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 3,98% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 9 tháng duy trì mức tăng trưởng khá 9,56%, đóng góp 3,16 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này, là động lực chính của tăng trưởng toàn nền kinh tế với mức tăng cao 11,37%, đóng góp 2,42 điểm phần trăm. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,68%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng 9 tháng duy trì mức tăng trưởng khá với tốc độ 8,33%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ 9 tháng năm nay tăng 6,85%, cao hơn mức tăng 6,75% của cùng kỳ năm 2018. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm 9 tháng như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,31% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành trong khu vực dịch vụ có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,89 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,15%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,20% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,98%; khu vực dịch vụ chiếm 42,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,08% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2018 là: 13,94%; 33,50%; 42,51%; 10,05%).

Trên góc độ sử dụng GDP 9 tháng năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,20% so với cùng kỳ năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,68%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,41%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,78%.

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tạo đà thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, theo Tổng cục trưởng TCTK, trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần bám sát tình hình thực tiễn, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

CPI năm 2019 có khả năng tăng thấp hơn dự kiến

Theo TCTK, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2019 tăng 0,32% so với tháng trước, bình quân 9 tháng tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 9 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây (Tốc độ tăng CPI bình quân 9 tháng so với cùng kỳ năm trước: năm 2017 là 3,79%; năm 2018 là 3,57% và năm 2019 là 2,5%.)

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá hôm 27/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã đánh giá, các chỉ số CPI trong 9 tháng qua cho thấy công tác điều hành giá đang đi đúng hướng.

“Nếu không có gì thay đổi, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát CPI năm 2019 xoay quanh ngưỡng 3,2 - 3,5%, dư địa này vẫn có thể điều chỉnh giá một số dịch vụ công trong quý IV/2019. Đồng thời tạo thêm dư địa cho việc điều hành lạm phát cả năm theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra”- Phó Thủ tướng nhận định.

Đọc thêm