Ghi nợ tiền sử dụng đất theo nghị định 79: Trường hợp nào nộp mức cao hơn?

(PLVN) - Hai tháng qua, hàng vạn người dân trên toàn quốc đã chen chân đi nộp tiền sử dụng đất được ghi nợ trước đó để “né” mốc thời điểm 1/3/2021 khi mức tiền nộp cao hơn trước. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp ghi nợ đều phải nộp theo mức cao hơn.
Người dân Đà Nẵng làm thủ tục vay tiền để trả nợ tiền sử dụng đất theo Nghị định 79.
Người dân Đà Nẵng làm thủ tục vay tiền để trả nợ tiền sử dụng đất theo Nghị định 79.

Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân

Theo Nghị định 79/2019/NĐ-CP (Nghị định 79) ngày 26/10/2019 sửa đổi Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất (SDĐ), đối tượng được ghi nợ tiền SDĐ là hộ gia đình, cá nhân (HGĐ, CN) gồm: người có công với cách mạng; hộ nghèo; HGĐ, CN là đồng bào dân tộc thiểu số; HGĐ, CN có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn KT-XH khó khăn, địa bàn KTXH đặc biệt khó khăn được ghi nợ tiền SDĐ trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nghị định 79 cũng quy định về xử lý chuyển tiếp như sau: “Đối với HGĐ,CN đã được ghi nợ tiền SDĐ trước ngày 1/3/2016 thì tiếp tục thanh toán tiền SDĐ còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận (hoặc theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật) đến hết ngày 28/2/2021. Quy định này không áp dụng đối với số tiền SDĐ thanh toán nợ mà HGĐ, CN đã nộp vào ngân sách nhà nước. Kể từ ngày 1/3/2021 trở về sau thì HGĐ, CN phải thanh toán số tiền SDĐ còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ”.

Hiện các tỉnh thành đã ban hành và áp dụng bảng giá đất mới giai đoạn 2020 – 2024 với mức tăng từ 5-15% so với Bảng giá cũ giai đoạn 2015 – 2019, tùy vào từng tỉnh thành và từng loại đất.

Để thực hiện Nghị định 79, giúp giải tỏa những vướng mắc, hỗ trợ cho người dân, HĐND TP. Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết giao cho UBND thành phố thực hiện việc ủy thác 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để các hộ dân còn nợ tiền SDĐ tái định cư vay trả nợ đúng thời hạn và các HGĐ, CN thuộc diện giải tỏa nhưng không được nợ tiền SDĐ tái định cư vay làm nhà ở. Mỗi hộ được vay tối đa bằng với số tiền SDĐ còn nợ ngân sách thành phố nhưng không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn vay không quá 10 năm kể từ ngày giải ngân, với lãi suất 4,8%/năm.

Theo danh sách các quận, huyện gửi cho Chi nhánh NHCSXH TP. Đà Nẵng, có 772 HGĐ, CN thuộc đối tượng được vay vốn. Phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện và các xã, phường đã tổ chức đối thoại trực tiếp với các HGĐ, CN và tổng hợp có 116 trường hợp có nhu cầu vay với tổng số tiền đề nghị vay là 17,947 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng vay không nhiều. Tính đến ngày 18/2/2021, đã có 2.250 hồ sơ trong tổng số 3.573 hồ sơ trên toàn TP. Đà Nẵng đã trả nợ tiền SDĐ theo Nghị định 79.

Từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 28/2/2021, văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã tiếp nhận 5.577 hồ sơ của các HGĐ, CN thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Theo ông Lê Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, do ngày 27 và 28/2 là ngày cuối tuần, để đáp ứng được nhu cầu của người dân, Sở TN&MT đã chỉ đạo các văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh các quận, huyện, thị xã tăng cường làm việc thêm cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật để tiếp nhận hồ sơ. Hiện còn nhiều trường hợp chưa nộp là do vướng mắc về thủ tục, không có tiền nộp, không được tạo điều kiện cho vay, có tâm lý chây ỳ, phó mặc “muốn đến đâu thì đến”.

Mức nộp phụ thuộc vào thời điểm ghi nợ

Theo lưu ý của các cơ quan quản lý, không phải mọi trường hợp ghi nợ tiền SDĐ đều phải nộp theo mức cao hơn từ ngày 1/3/2021 mà sẽ phụ thuộc vào thời điểm ghi nợ.

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Nghị định 79, đối với HGĐ, cá nhân đã được ghi nợ tiền SDĐ trên Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật từng thời kỳ mà đến trước ngày 10/12/2019 chưa thanh toán hết nợ tiền SDĐ được chia thành 3 trường hợp. Chỉ trường hợp HGĐ, CN ghi nợ tiền SDĐ trước ngày 1/3/2016 triển khai theo quy định đã nêu ở trên.

Đối với trường hợp ghi nợ tiền SDĐ từ ngày 1/3/2016 đến trước ngày 10/12/2019, HGĐ,CN tiếp tục thanh toán tiền SDĐ còn nợ theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định tại Nghị định 45/2014/NĐ-CP trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ tiền SDĐ. Quá thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ tiền SDĐ thì HGĐ, CN phải thanh toán số tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

Trường hợp ghi nợ tiền SDĐ từ ngày 10/12/2019 đến nay, HGĐ, CN được trả nợ dần trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn 5 năm này. Sau 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà HGĐ, CN chưa trả hết nợ tiền SDĐ ghi trên Giấy chứng nhận thì HGĐ, CN phải nộp đủ số tiền SDĐ còn nợ và tiền chậm nộp tính trên số tiền còn nợ theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế từ thời điểm hết thời hạn 5 năm được ghi nợ tới thời điểm trả nợ...

Đọc thêm