Gia Lai: Giải bài toán nợ xấu hồ tiêu

(PLVN) - Hồ tiêu từng được coi là “vàng đen” nhưng do liên tục rớt giá, cùng với tình trạng cây tiêu chết hàng loạt đã khiến nhiều hộ dân trồng tiêu bị phá sản. Phải bỏ đi làm ăn xa, đa số nông dân từng vỡ nợ vì hồ tiêu cũng chưa dám quay về nhà vì không biết tương lai sẽ ra sao?
Dân nhổ trụ tiêu bán để đóng lãi ngân hàng
Dân nhổ trụ tiêu bán để đóng lãi ngân hàng

Dạo qua một vòng quanh khu vực các rẫy tiêu của hai huyện Chư Sê, Chư Pưh, dễ dàng nhận thấy những biển bán đất rẫy nhan nhản khắp nơi. Tiêu hạ giá cùng với dịch bệnh đã khiến nhiều tỉ phú hồ tiêu bỗng chốc trở thành những người trắng tay. Có người phải bỏ xứ đi làm thuê ở những nơi khác, có những người buôn bán nhỏ lẻ chỉ mong đủ chi phí cho gia đình.

Theo thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, hiện trên địa bàn có hơn 5.547 ha hồ tiêu bị chết vì bệnh, dịch với 32.278 hộ có tiêu bị chết. Bên cạnh đó, hiện giá tiêu tụt thê thảm khiến nhiều hộ dân vay tiền trồng loại nông sản này không có khả năng trả nợ ngân hàng, đã rời khỏi địa phương đi làm ăn xa để trốn nợ. Theo thống kế của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ mà người dân toàn tỉnh vay trồng tiêu là trên 4.300 tỉ đồng với hơn 26.000 hộ vay, trong đó có khoảng 2.200 tỉ là nợ xấu.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hành Nhà nước chi nhánh Gia Lai cho biết: Ngành ngân hàng cũng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ cho dân. Đơn cử như nếu người vay gặp khó khăn trong việc trả nợ, ngân hàng sẽ cơ cấu thời hạn nợ, trong đó có việc điều chỉnh thời hạn nợ, gia hạn thời hạn nợ. Bên cạnh đó là giải pháp giảm lãi xuất hoặc miễn giảm lãi tiền vay cho người vay, hoặc ngân hàng cũng xem xét cho người dân vay lại để tái cơ cấu cây trồng…

Tuy nhiên, ông Cư cũng cho biết: Nhiều nông dân muốn khoanh nợ nhưng ngành ngân hàng chỉ có thể cơ cấu lại, giãn nợ, gia hạn nợ còn việc khoanh nợ thì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, với việc khoanh nợ hiện nay thì số lãi trong vòng hai năm sẽ khoảng 440 tỉ đồng. Số tiền đó sẽ do đơn vị nào chi trả? Trước đây sẽ do ngân sách Trung ương, nhưng quy định mới thì cấp nào đề nghị khoanh nợ thì cấp đó phải trả. Đây là một số tiền rất lớn đối với ngân sách của tỉnh Gia Lai.

Tuy chưa có thống kê thực tế nhưng đã có hàng ngàn người ở các huyện của tỉnh Gia Lai đã bỏ xứ đi đến các thành phố lớn để mưu sinh. Trước tình hình trên, ông Cư ra lời kêu gọi người dân quay về địa phương để tiếp tục sản xuất và ngành ngân hàng sẽ luôn đồng hành cùng người dân trồng tiêu để tìm cách tháo gỡ. 

Trước đây, gia đình bà Hồ Thị Sinh (SN 1942, trú thôn Hòa Thắng, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) là được coi là “đại gia” ở địa phương với hàng vạn trụ tiêu trên 9 ha đất, doanh thu mỗi năm vài tỉ đồng. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2016, kể từ khi cây tiêu chết dần và giá tiêu xuống đáy thì các con, các cháu bà Sinh đã dắt díu nhau li tán tứ tung. Hiện tại, đôi vợ chồng già này phải vào làng đồng bào bán bún, bán đồ lặt vặt để kiếm tiền nuôi nhau. 

Một “cựu đại gia hồ tiêu” ở thị trấn Nhơn Hòa là bà Lê Thị Vui (SN 1957) thì nói rằng, thời vàng son, trồng hồ tiêu dễ như trồng dây khoai lang, rất nhanh chóng có tiền tỷ. Ấy vậy mà giờ đây, bà vẫn hàng ngày cặm cụi đi bán từng bó rau lang tự trồng trong vườn để mưu sinh qua ngày. “Giờ ở thủ phủ hồ tiêu này chả làm ăn được gì cả, những người còn sức khỏe đã bỏ đi hết trơn rồi”- bà Vui than.

Một người từng được cho là đại gia hồ tiêu ngậm ngùi cho biết: Sau khi tiêu rớt giá, tiêu chết, tôi đã phải gửi con để xuống phố làm thuê. Mỗi tháng trừ hết chi phí cũng để dành được 3 triệu nuôi con. Giờ nhớ con cũng không dám về vì sợ ngân hàng đòi nợ. Nhiều người cũng giống hoàn cảnh của tôi đều không dám về. Vốn đâu mà về đầu tư tiếp rồi với giá tiêu như hiện nay, người dân làm gì có lãi mà tái cơ cấu.

Đọc thêm