Gia nhập AEC, Việt Nam cần lưu ý điều gì?

(PLO) - Phát biểu tại Diễn đàn Mekong 2014: "Cộng đồng kinh tế ASEAN - Cơ hội và thách thức", Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nội lực bên trong cũng như việc đổi mới thể chế… để phát triển nền kinh tế đất nước khi bước vào hội nhập.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh internet.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh internet.

Tháng 1/2007, lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết định đẩy nhanh tiến trình liên kết nội địa, nhất trí mục tiêu hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 thay vì mục tiêu vào năm 2020 như trước đây. Việc thành lập AEC sẽ nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo sự hấp dấn đầu tư – kinh doanh từ bên ngoài.

Để phát triển nền kinh tế đất nước, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng phải lưu ý những điểm sau: Thứ nhất phải xác định được Cộng đồng kinh tế ASEAN nằm ở chỗ nào, khâu nào trong mối quan hệ Quốc tế của nước ta. Bởi ngoài gia nhập AEC, Việt Nam còn gia nhập nhiều thị trường kinh tế khác. "Biết AEC ở đâu, chúng ta sẽ biết cách hội nhập theo từng lĩnh vực cam kết: lao động, kinh tế, tài chính… một cách hiệu quả nhất".

Thứ hai, các cơ quan Chính phủ cần lập một kế hoạch tổng thể để hội nhập về những mặt cam kết, lộ trình làm sao cho nó hài hòa tất cả. Rất nhiều việc làm cùng một lúc sẽ có nhiều điểm kênh nhau, chồng chéo, nếu không làm rõ các doanh nghiệp trong nước rất khó nắm bắt. Ví dụ về thuế, cần phải nắm tổng thể về thuế: ASEAN có mức thuế này, Philippin mức thuế kia… để các doanh nghiệp lựa chọn làm ăn với ai thì thuận lợi nhất...  “Nói chung phải có kế hoạch chung để nhìn bức tranh chung”, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.

Đặc biệt, khi gia nhập AEC, Việt Nam cần chuẩn bị nội lực mới là điều cốt yếu: “Hội nhập là cần nhưng không đủ, cơ bản là nguồn lực bên trong. Bài học cho thấy chúng ta hào hứng với bên ngoài nhưng cái chuẩn bị bên trong vẫn chưa thực sự tốt. Nước ngập đến ngực rồi nhưng chưa nhảy, tôi rất là lo”.

“Hiện nay nước ta có nhiều sự đổi mới về thể chế để đón nhận bên ngoài vào: thuế, hải quan.. nhưng những đổi mới thể chế liên quan đến hội nhập AEC tôi chưa thấy nói đến nhiều. Chúng ta cần đổi mới về thể chế để tận dụng cơ hội hội nhập và chuẩn bị “hàng rào” bảo vệ mình. Lần đầu tiên chúng ta mới áp dụng thuế chống bán phá giá về thép trong khi các nước trên thế giới liên tục áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng nhập khẩu vào nước họ… Nếu chúng ta không có “hàng rào” bảo bệ thì các nhà sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn”, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.
Cuối cùng là việc tạo dựng thói quen gắn kết giữa Nhà nước với doanh nghiệp. "Ở nước ngoài, khi đàm phán đến giai đoạn bất lợi, họ thường tạm dừng để về hỏi ý kiến doanh nghiệp. Sau đó, họ viện dẫn  ý kiến của doanh nghiệp vào việc đàm phán cốt sao có lợi cho họ nhất. Chúng ta thì chưa thực hiện điều này, do đó, cần thay đổi cách chuẩn bị và cách đàm phán. Đặc biệt cần tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp. Đây là nhân tố quyết định cho sự phát triển của kinh tế sau này./.

Đọc thêm