Gia nhập TPP Việt Nam “sợ” gì?

(PLO) - Lợi ích to lớn nhất mà Việt Nam sẽ có được khi là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là tìm được một đối trọng đủ nặng để có thể tái cân bằng được quan hệ thương mại với các thị trường truyền thống trọng điểm hiện nay.
"Sự tích" TPP
Thế giới ngày nay từ đâu mà ra?. Có người nói là do Phật tạo thành, có người nói do Bụt dựng lên, số khác quả quyết rằng chắc chắn là do Thượng Đế, do thánh Ala hay một vị thánh tối linh nào đó tạo ra, tuỳ thuộc vào đức tin của họ. Với các nhà sử học, nhiều người chia sẻ niềm tin rằng, thế giới như chúng ta đang thấy là kết quả hình thành từ các cuộc chiến tranh và xâm lăng trải dài suốt lịch sử, dẫn đến sự ra đời của các quốc gia, các liên minh- các trục quyền lực và lợi ích… 
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của thương mại quốc tế, thế giới hôm nay có được lại là nhờ sự ra đời của những cái chợ lớn nhỏ, đó đây trên khắp địa cầu. Kể từ những phiên chợ đầu tiên trên thế giới có nguồn gốc từ thế kỉ 11 ở khu vực Tây Âu cho đến những phiên chợ ảo – những giao dịch thương mại điện tử diễn ra trên Internet ngày nay đã cho thấy một nhu cầu không ngừng của con người và mọi xã hội về giao thương, trao đổi hàng hoá.  
Ở quy mô lớn hơn, các FTA (Free-Trade Agreement) – những hiệp định thương mại tự do, những “phiên chợ” được hình thành giữa hai hay nhiều quốc gia. Và từ ngày 5/10/2015, Việt Nam đã chính thức gia nhập vào một trong những phiên chợ được đánh giá là giàu tiềm năng nhất hiện nay, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, viết tắt là TPP) gồm 12 quốc gia thành viên bao gồm Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Viet Nam, Mỹ và Nhật Bản.  
TPP được bắt nguồn từ sáng kiến hợp tác giữa các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore năm 2005. Tuy nhiên, phiên chợ này chỉ thực sự trở nên nóng bỏng và đặc biệt hấp dẫn khi Mỹ tuyên bố tham gia TPP vào tháng 9/2008 và định hướng phát triển ở quy mô lớn hơn: xây dựng một FTA hoàn toàn mới. Kế tiếp đó, Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Nhật Bản lần lượt tham gia vào TPP, đưa tổng số thành viên TPP hiện nay lên thành 12.  
Trải qua 19 phiên đàm phán chính thức và giữa kỳ, sau rất nhiều lần trì hoãn kể từ tháng 3/2010, TPP là mô hình hoàn toàn mới về hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đầu tư và rất có thể sẽ là hạt nhân cốt lõi để hình thành FTA chung cho toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Là hiện thân của chiến lược “xoay trục sang Châu Á” về kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama, TPP hứa hẹn sẽ đem lại thêm cho thế giới khoảng 300 tỷ USD giá trị GDP mỗi năm sau khi chính thức ra đời.
TPP đã được chính thức đàm phán xong.
 TPP đã được chính thức đàm phán xong.
Gia nhập TPP Việt Nam được gì?
Mặc dù không phải là “phiên chợ” lớn nhất thế giới (Tổ chức thương mại thế giới WTO, Việt Nam đã là thành viên từ 11/01/2007), nhưng TPP còn có tác động mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam hơn cả WTO. Là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu từ các quốc gia thành viên, TPP đã tỏ ra ưu việt hơn hẳn “ông lớn” WTO do thiết lập được các luật quốc tế với phạm vi can thiệp sâu hơn như: chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các công ty nhà nước, chất lượng sản phẩm và lao động… 
Một lợi thế mà WTO với quy mô quá lớn (161 thành viên) khó có thể có được do luôn mất nhiều thời gian và nỗ lực hơn để có thể đạt được tới một sự đồng thuận chung.
Lợi ích to lớn nhất mà Việt Nam sẽ có được khi là thành viên của TPP là tìm được một đối trọng đủ nặng để có thể tái cân bằng được quan hệ thương mại với các thị trường truyền thống trọng điểm hiện nay, giảm bớt ảnh hưởng lệ thuộc vào một thị trường nhất định, đặc biệt là Trung Quốc (không là thành viên của TPP). Với tỷ trọng hơn 60% kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó riêng nhập khẩu lên tới 75% đến từ khu vực Đông Á, Trung Quốc, Đài Loan và ASEAN..., Việt Nam sẽ chịu nguy cơ rủi ro lớn nếu nhóm thị trường này có những biến động xấu. Cùng với thoả thuận FTA mới đạt được gần đấy với EU, TPP với sự có mặt mạnh mẽ của Hoa Kỳ, Canada, Úc…, sẽ là một hướng đi giàu tiềm năng để Việt Nam từng bước thoát khỏi sự mất cân đối trong với nền kinh tế lớn láng giềng đang ngày càng tỏ ra nhiều dấu hiệu thiếu ổn định.
Thứ hai, mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Khi thuế nhập khẩu trở về 0%, sẽ nâng cao đáng kể lợi thế cạnh tranh cho các ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như nông thuỷ sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ……giúp nhóm ngành này có cơ hội lớn hơn trong việc mở rộng thị phần.
Lợi ích vượt trội hơn hẳn cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn như Mỹ, Úc, Nhật với hàng rào thuế quan bằng 0%, đó là dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các tập đoàn lớn sẽ tạo nên một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, tạo ra lượng công ăn việc đáng kể đi kèm với năng lực sản xuất mới. Thêm vào đó, TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam phải giải nhanh hơn bài toán phân bổ nguồn lực, tái cấu trúc lại mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả hơn đi kèm với xu hướng minh bạch hoá và những nỗ lực đổi mới chính sách, cải thiện thể chế kinh tế.
Gia nhập TPP Việt Nam “sợ” gì và cần gì?
Bất kỳ một hiệp định thương mại tự do nào cũng bao gồm cả rất nhiều thách thức mới bên cạnh những cơ hội phát triển đối với các quốc gia thành viên, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Bất chấp việc 7 trong số 11 thành viên đã có FTA song phương với Việt Nam, sức ép cạnh tranh sẽ vẫn là một từ khoá nóng đối với cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. 
Không quá khó để dự đoán được những trận đọ sức quyết liệt ngay chính trên sân nhà giữa các doanh nghiệp Việt với các ngoại binh trong ba ngành: ngân hàng, phân phối và viễn thông giá trị gia tăng. Do TPP sẽ mang lại quyền tiếp cận tự do hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vưc dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ tài chính) để họ được đối xử tốt hơn hoặc bình đẳng tại sân chơi chung giữa các quốc gia thành viên.
Trong khi năng lực xâm nhập thị trường nước ngoài còn nhiều hạn chế và thiếu kinh nghiệm, một kịch bản dễ hình dung là doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị lấn lướt ngay tại thị trường nội địa khi TPP mở ra.
Khoảng trống giữa những cam kết rộng và sâu của Việt Nam với TPP và hệ thống hành lang pháp lý hiện có về: công đoàn độc lập, người lao động, vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, môi trường và bảo hộ..., cũng là một bài toán lớn mà các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phải giải quyết một cách hiệu quả và có hệ thống nếu như không muốn bị sa lầy vào những rủi ro lâu dài.
Hội nhập kinh tế ngày càng diễn ra sâu và rộng hơn, quy luật sinh tồn và đào thải ngày càng tỏ rõ sức mạnh trong cuộc cạnh tranh dữ dội để tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp. Nếu như không sự chuẩn bị và nâng cao năng lực với tầm nhìn dài hạn, sẽ rất nhiều doanh nghiệp Việt sẽ đuối sức khi bơi ra biển lớn, nhất là khi sự bao bọc từ các chính sách hỗ trợ của chính phủ yếu dần và không còn nữa. 
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ ngày càng đứng trước áp lực: hoặc là mạnh mẽ để cạnh tranh, hoặc là bị nuốt chửng theo xu hướng mua bán- sáp nhập mạnh mẽ sắp diễn ra. Tuy nhiên, TPP và các hiệp định FTA trong tương lai chắc chắn sẽ là một liều thuốc quý, một đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển và trưởng thành hơn trong sân chơi kinh tế toàn cầu.

Đọc thêm