Giá thuê đất “đốt nóng” cuộc đối thoại với doanh nghiệp và UBND TP Hải Phòng

(PLO) - Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, sáng 10/9, UBND TP Hải Phòng tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp trên địa bàn nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Hội nghị này, vấn đề giá thuê đất đã trở thành tâm điểm của các kiến nghị thay đổi chính sách. 
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp.
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp.

Tiền thuê đất gây áp lực sinh tồn khi tăng đến 50 lần

Trong một hội nghị được đánh giá là đối thoại giữa chính quyền và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp được dịp bộc bạch tất cả những khó khăn, vướng mắc mà họ đang phải đối mặt, trong đó có cả những sự vụ cụ thể gây cản trở các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Đại diện Cụm công nghiệp Vĩnh Niệm có 25 doanh nghiệp với những đóng góp quan trọng cho kinh tế địa phương và ngân sách nhà nước. Nhưng trong thời gian gần đây, áp lực về tiền thuê đất đã khiến nhiều doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Vĩnh Niệm không còn nhiều lãi, thậm chí không có lãi, Theo đại diện Cụm công nghiệp này, tiền thuê đất đã tăng lên 30 -50 lần so với mức cũ quy định trong hợp đồng thuế đất 50 năm. Ngày 13/4/2011 các DN đã có công văn gửi cho UBND TP và các ban ngành nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết.

Giá thuê đất tăng hàng năm là chuyện không riêng của doanh nghiệp Hải Phòng mà là hệ quả tất yếu của chính sách tăng giá tiền thuê đất. Song, Cty TNHH Hải Long, quận Kiến An cũng cho rằng, cơ cấu giá thuê đất hiện đang thay đổi rất nhanh, chiếm tỷ trọng lớn  trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp. Với mức tăng từ  9-10 lần mà các doanh nghiệp này đang gánh chịu, rõ ràng tiền thuê đất là loại chi phí chỉ có tăng, không giảm và tăng chóng mặt sẽ thực sự khiến doanh nghiệp không còn lợi nhuận. Do đó, cũng như các doanh nghiệp khác, Công ty Hải Long  đề nghị việc thay đổi giá đất phải có lộ trình để các doanh nghiệp có kế hoạch về tài chính, giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài.

Cùng với Cụm công nghiệp Vĩnh Niệm va Công ty TNHH Hải Long,  Công ty  Vận tải dịch vụ Petrolixex Hải Phòng, Công ty Sản xuất và Dịch vụ Duyên Hải - Hải Phòng, Công ty TNHH Phú Vinh, cũng đồng cảnh ngộ vì đang phải "gánh" mức phí thuê đất mà theo họ là quá cao. 

Trả lời những vấn đề trên, Phó cục trưởng Cục thuế TP Đoàn Hồng Việt cho biết theo Quyết định số 695 ngày 13/4/2001 của UBND TP Hải Phòng, các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Vĩnh Niệm được thuê đất với mức giá 1000 đồng/m2, áp dụng trong thời gian 50 năm. Tuy nhiên, sau đó, UBND TP Hải Phòng cũng đã ban hành quyết định số 2049 để thu hồi quyết định 695 này.   Theo ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, thời gian tới, lãnh đạo UBND TP sẽ trực tiếp khảo sát cụ thể về tình hình thuê đất của 25 doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Vĩnh Niệm và đưa ra phương án giải quyết hợp lý nhất, tạo điều kiện cho DN phát triển.

 Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng giao Cục thuế, các chi cục thuế tiến hành xem xét, tính toán lại việc áp dụng mức thuê đất và trả lời trực tiếp mọi thắc mắc, kiến nghị của các DN này vào kỳ đối thoại sắp tới.

Nâng tầm phát triển logistic  

Trả lời kiến nghị của Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng về quy hoạch mạng lưới logistics, Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng cho biết hiện, Hải Phòng đang tiến hành quy hoạch lại mạng lưới logistic đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050. "Mạng lưới logistic của Hải Phòng khá manh mún, do vậy TP sẽ nỗ lực để có thể hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch này trong năm 2016", ông Tùng khẳng định.

Cũng liên quan đến quy hoạch, Công ty TNHH Quang Hải (huyện Cát Hải) cho biết đơn vị thuộc diện di chuyển đến nơi mới để phục vụ cho dự án Cảng quốc tế Hải Phòng. Theo Thông báo số 1516/TB-BQL ngày 05/11/2014 của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Công ty được quy hoạch di dời đến phía Tây - Bắc đảo Cát Hải, khu vực đầm Đại Nghĩa, giáp cửa Nam Triệu và kênh Hà Nam. Từ khi có thông báo đến nay, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đảo Cát Hải này chưa biết địa điểm chính thức, diện tích được quy hoạch, để xác lập phương án, nguồn vốn để xấy dựng địa điểm sản xuất mới.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng hoàn toàn chia sẻ và cam kết sẽ thông tin sớm nhất đến doanh nghiệp khi hoàn thiện các hạng mục liên quan đến quy hoạch.

Nước sạch nông thôn cũng là một trong những điểm "nóng" tại hội nghị. Hợp tác xã dịch vụ Bắc Dương kiến nghị việc đầu tư chồng chéo chương trình cấp nước sạch nông thôn dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP cho biết Hải Phòng "mở cửa" để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp nước sạch tới bà con vùng nông thôn. Tuy nhiên, bà con có quyền chọn lựa cơ sở nào đáp ứng được chất lượng nước tốt nhất để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Do vậy, các nhà máy nước mini nếu muốn tồn tại cần phải nâng cao chất lượng nước hơn nữa.

Ngoài ra, một số DN cũng ý kiến về việc phải tốn nhiều thời gian, công sức để tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, đa số doanh nghiệp đều đồng tình việc thanh, kiểm tra cần có kế hoạch và sắp xếp thời gian hợp lý để doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh. 

Kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cam kết việc đối thoại với doanh nghiệp sẽ là một trong những hoạt động được UBND TP tổ chức định kỳ hàng tháng, hàng quý để thực sự đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp.

Đọc thêm