“Giấc mơ” cây tỷ đô - Bộ Nông nghiệp nói gì?

(PLO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa chính thức đưa ra quan điểm về việc phát triển cây mắc ca. Theo đó, Bộ này khuyến cáo chỉ nên trồng mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công với định hướng đến năm 2020, diện tích trồng tập trung chỉ khoảng 10 nghìn ha. 
Cần làm rõ trồng mắc ca ở đâu, trồng bao nhiêu và nơi nào trồng, giống gì, trồng như thế nào và tiêu thụ ra sao, lợi nhuận thế nào?
Cần làm rõ trồng mắc ca ở đâu, trồng bao nhiêu và nơi nào trồng, giống gì, trồng như thế nào và tiêu thụ ra sao, lợi nhuận thế nào?
Thận trọng
Trước nhiều luồng ý kiến dấy lên thời gian qua về việc phát triển cây mắc ca (dư luận gọi là cây tỷ đô la), đặc biệt là ý tưởng của LienvietPostbank chọn đầu tư vào cây mắc ca với tham vọng trồng được 200 nghìn ha, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây đã có cuộc họp cùng các nhà khoa học, cơ quan quản lí thống nhất chủ trương về cây trồng này. 
Hàng loạt ý kiến của nhiều nhà khoa học, cơ quan quản lí đầu ngành nông nghiệp đều cho rằng chưa nên mở rộng diện tích một cách ồ ạt.
TS. Hà Huy Thịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp đánh giá: Mặc dù đến nay, một số mô hình trồng mắc ca đã thành công ở nước ta, tuy nhiên về cơ bản đây vẫn là đối tượng cây trồng mới, cần thận trọng. 
Ông Thịnh cho rằng, trước mắt chỉ nên tập trung phát triển ở những vùng có đặc điểm sinh thái thực sự phù hợp và có năng suất cao như Đắk Lắk, Sơn La. Trong đó, ưu tiên phát triển trồng xen với cà phê, chè. 
Viện Điều tra quy hoạch rừng cho biết, quy hoạch định hướng dành cho 6 tỉnh Tây Bắc và 5 tỉnh Tây Nguyên với tổng diện tích của Tây Nguyên đến năm 2020 vào khoảng 155 nghìn ha, trong đó khoảng 8 nghìn ha trồng tập trung; Tây Bắc khoảng 29 nghìn ha, trong đó 24 nghìn ha trồng tập trung. 
“Có nên trồng mắc ca không, tôi khẳng định là nên trồng và trồng là để bán, để xuất khẩu. Như vậy, phải làm rõ mắc ca Việt Nam có cạnh tranh được với mắc ca các nước hay không? Nếu trồng thì cần làm rõ trồng ở đâu, trồng bao nhiêu, nơi nào trồng, giống gì, trồng như thế nào và tiêu thụ ra sao, lợi nhuận thế nào? Các vùng định hướng trồng mắc ca hiện nay cây gì trồng được đã trồng rồi, giờ đưa mắc ca vào là phải thay thế, liệu mắc ca có cạnh tranh hơn so với cây thay thế không, thời gian tới sẽ phải làm rõ”- ông Thịnh nhấn mạnh.  
Siết chặt cây giống
GS.TS Lê Đình Khả, người có thâm niên nghiên cứu về mắc ca từ những ngày đầu du nhập vào Việt Nam lưu ý, mắc ca là cây trồng có giá trị kinh tế nên phát triển ở nước ta. Tuy nhiên cần thận trọng, chỉ nên mở rộng ở những nơi đã khảo nghiệm thành công và mỗi nơi phải khẳng định được một giống phù hợp. 
Nếu là trồng thuần, nhất định phải xem mắc ca là cây cần thâm canh, không nên xem là cây lâm nghiệp bình thường. 
Về định hướng, ông Đoàn Hữu Cường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông lâm sản chế biến - đơn vị xây dựng một số mô hình trồng mắc ca - kiến nghị trong 5 năm tới, chỉ nên trồng mắc ca tại 2 vùng là Tây Bắc và Tây Nguyên với diện tích khống chế khoảng 12 nghìn ha. 
Theo ông Cường, lí do chưa nên mở rộng ồ ạt mắc ca một phần bởi chưa thể ngay lập tức có nguồn giống ghép đảm bảo chất lượng. 
Cụ thể, với 12 nghìn ha sẽ cần khoảng 4 triệu cây giống ghép, mỗi cây giống cần hơn 20 tháng mới có thể xuất vườn. Mắt ghép phải được lấy từ vườn đầu dòng được Bộ NN&PTNT công nhận. Vì vậy, để có 4 triệu cây giống ít nhất cần khoảng 5 vườn giống, công suất mỗi vườn 500-700 nghìn cây/năm mới có thể đáp ứng. 
Vì thế, theo ông Cường, có thể phải tới năm 2018 mới có giống trồng và con số 12 nghìn ha mắc ca vào năm 2020 là phù hợp. 
Bộ NN&PTNT khuyến cáo chỉ trồng những giống đã được Bộ này công nhận là giống quốc gia hoặc giống tiến bộ kỹ thuật, theo các hướng dẫn về quy trình kỹ thuật. Bộ NN&PTNT cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nhập khẩu giống của các nước nhằm chọn tạo giống phù hợp cho từng vùng trồng tại Việt Nam. 
Đồng thời, sớm nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, sẽ ban hành quy trình kỹ thuật trong trung tuần tháng 5/2015. Đối với việc nhập khẩu giống mắc ca, Bộ nghiêm cấm và sẽ siết chặt các hoạt động nhập khẩu giống với mục đích thương mại khi chưa trải qua khảo nghiệm theo quy định về quản lí giống cây trồng. 
* Về vấn đề thị trường, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát lo ngại hiện thông tin còn rất khập khiễng. Các thông tin trên truyền thông thế giới đa số đều đang nói rất tốt về cây mắc ca; từ Úc tới các nước châu Phi như Nam Phi, Kenya, Senegal và cả Trung Quốc… đều ca ngợi mắc ca. Các số liệu thống kê cũng cho thấy nguồn cung mắc ca ở nhiều nước đang tăng chóng mặt, có nơi trên 10%/năm. Trong khi đó, thông tin dự báo tin cậy về nhu cầu lại chưa rõ ràng.
* Bộ NN&PTNT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình phát triển cây mắc ca. Theo đó, cây mắc ca bắt đầu trồng thử nghiệm tại Việt Nam từ năm 1994, đến nay các khảo nghiệm giống mắc ca đã được triển khai tại 16 tỉnh với 20 mô hình khảo nghiệm, hiện có 30/35ha mắc ca ra hoa kết trái.
​Đến nay, Bộ này đã công nhận được 10 giống mắc ca và đang cho triển khai thực hiện dự án “Trồng sản xuất thử nghiệm một số giống mắc ca mới tại Tây Nguyên và Tây Bắc” với 40ha đang sinh trưởng tốt. Ngoài ra, Bộ cũng đầu tư dự án trồng thâm canh cây mắc ca tại Tây Bắc và Tây Nguyên với diện tích 478,1ha mô hình, tỉ lệ sống đạt trên 95%, sinh trưởng và phát triển tốt.
Tuy nhiên, do cây mắc ca là cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm cho kết quả còn khác nhau, mặt khác cần xem xét kỹ các vấn đề về chế biến, thị trường. Do vậy, đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca; quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, công nghệ chế biến cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Đọc thêm