Giải bài toán “được mùa, mất giá”

(PLO) - Các vấn đề tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hội nhập vừa được các cơ quan chức năng, chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học và doanh nghiệp… mang ra “mổ xẻ”.
Khoai lang “giá bèo” ở Bình Tân, Vĩnh Long
Khoai lang “giá bèo” ở Bình Tân, Vĩnh Long
“Được mùa, rớt giá” là chuyện thường?!
Là vùng trọng điểm của cả nước về nông nghiệp nhưng nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại luôn gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, chuỗi liên kết cung – cầu lỏng lẻo. Trước thực trạng đó, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Diễn đàn “Tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm từ ĐBSCL” tại TP.Cần Thơ nhằm tìm ra giải pháp về vấn đề tiêu thụ nông sản ở vùng ĐBSCL, góp thêm kinh nghiệm để giúp giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. 
GS. Võ Tòng Xuân phác thảo lại “bức tranh” ĐBSCL 40 năm qua: Từ quá trình sản xuất nông sản đi từ “thiếu ăn” chuyển sang “dư ăn” đến thừa để xuất khẩu, thế nhưng chất lượng lại không tăng, nuôi trồng theo kinh nghiệm, ít tuân theo quy trình GAP. Kết quả là giá thành sản phẩm cao dẫn đến tiêu thụ khó và phải bán giá thấp hoặc thậm chí không bán được. Người nông dân cứ mãi trong vòng lẩn quẩn “trồng rồi chặt, chặt rồi trồng”; sản xuất tự phát, thiếu tổ chức, chỉ đạo của cơ quan chính quyền cũng như định hướng sản xuất từ doanh nghiệp. 
Đó là chưa nói nông dân và doanh nghiệp không có sự gắn kết với nhau, đa phần các doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, không có kế hoạch đầu tư lâu dài với người dân nên chuyện “được mùa, rớt giá” là chuyện thường. 
GS. Xuân chỉ rõ: Ngành chức năng đã có sự can thiệp cho nông dân tiêu thụ nông sản, nhưng chỉ chữa đằng ngọn mà không trị được gốc: Huy động lực lượng đi bán giùm hoặc mua tạm trữ; doanh nghiệp được vay vốn không lãi suất để mua lúa giá rẻ mạt... “Tóm lại, tình hình xuất khẩu gạo của nước ta từ đầu năm tới nay, nhờ Philippines thiếu gạo nên mua 450 ngàn tấn gạo của Việt Nam với giá thấp thì nay ta mới có chuyện để nói. Vì sao lại như vậy?”, Giáo sư  đặt câu hỏi?.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị
Đại diện Văn phòng Quốc hội cho rằng: Không chỉ lúa gạo mà nhiều ngành hàng nông nghiệp của Việt Nam sẽ phải chịu cạnh tranh rất lớn. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thách thức cho nông nghiệp càng lớn và tiêu thụ nông sản sẽ ngày càng khó khăn. Trong khi các nước phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; dân số làm nông nghiệp chỉ 3% thì mình có tới 60% nhưng chủ yếu là manh mún, nhỏ lẻ. 
Ông Nguyễn Sĩ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Nếu không nâng sức cạnh tranh thì việc mở cửa có thể khiến lực lượng xã hội đông đảo là nông dân bị tổn thương nhiều nhất. 
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng sức cạnh tranh cho ngành nông sản, dù đã có nhiều giải pháp được triển khai. Ông Dũng nhấn mạnh: Rõ ràng không chỉ tiêu thụ mà kết nối chuỗi giá trị như thế nào để tạo thành chuỗi liên thông, không chỉ sản xuất mà tìm cách tiêu thụ, làm cách gì để bảo đảm sự phân chia lợi ích, các giá trị trong chuỗi đó công bằng hơn. Đấu tranh phần lợi ích cho người nông dân có được nhiều hơn và tham gia đảm nhiệm một vài mắt xích trong chuỗi. 
Từ ý kiến của chuyên gia nông sản, doanh nghiệp có vai trò quyết định, tìm hoặc mở thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến từ nông sản nguyên liệu. Quan trọng là các doanh nghiệp phải linh hoạt trong tìm kiếm thị trường, liên kết với một số công ty mậu dịch quốc tế, kết nối với Nhà nước để xúc tiến đầu ra; đồng thời cải tiến phương thức sản xuất sản phẩm chất lượng cao trên cơ sở triệt để hợp tác hóa nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. 
Các chuyên gia cho rằng, giải pháp hữu hiệu, thấu đáo đặt ra cho nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là từ chủ trương của Nhà nước, sự linh hoạt của các doanh nghiệp và người dân cũng cần có ý thức trong việc sản xuất, tránh sản xuất tự phát chạy theo thị hiếu. Đó là các vấn đề cơ bản để giải quyết vấn đề “được mùa, mất giá”, tư thương ép giá. 
“Mỗi sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường cần được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện đúng quy trình GAP gắn với liên kết 4 “nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp), nòng cốt là do doanh nghiệp đầu ra gắn kết với hợp tác xã”, GS. Xuân cho biết. 

Đọc thêm