Giải cứu nông sản: “Quả đắng” mùa... trái ngọt

(PLO) - Những hệ lụy xảy ra khi thực hiện mô hình hợp tác bao tiêu giữa doanh nghiệp và người nông dân cả 2 bên đều đã… lãnh đủ. Khi thì người nông dân… “xù” hợp đồng, lúc thì doanh nghiệp… bỏ chạy. 
Thu hoạch cam
Thu hoạch cam

Liệu có cách nào để ràng buộc cam kết trách nhiệm giữa 2 mối liên kết, đang đóng vai trò tiên quyết trong việc chấm dứt những “mùa giải cứu” của nông sản Việt? 

“Khóc, cười” chuyện nông dân “xù” doanh nghiệp 

Bốn năm theo đuổi mảng nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Đức Trung, Giám đốc Công ty CP hữu cơ Bsarm có lẽ đã… hứng đủ về chuyện “xù” hợp đồng cùa người nông dân. Ông cho biết, Công ty ông ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá mua cam kết 5.500 đồng/kg với một hợp tác xã (HTX) ở Thái Bình.

Bsarm chịu trách nhiệm cung cấp cho nông dân hạt giống, phân bón nhưng đến lúc thu hoạch thì một sản phẩm cũng không còn vì người dân đã bán ra thị trường với giá 11.000 đồng/kg. Ông Trung nói, việc yêu cầu HTX chịu trách nhiệm cũng khó vì HTX cũng chỉ là một đầu mối ký hợp đồng rồi giao lại cho người dân tự trồng và họ cũng không có cách nào để quản lý, giám sát việc dân bán ra ngoài khi được giá. 

“Mỗi đợt đầu tư mất khoảng vài trăm triệu, hiện giờ không biết cách nào lấy lại được. HTX cũng không thể đứng ra đòi lại tiền giống, tiền phân bón mà công ty đã chi cho người nông dân. Vài lần thế này thì trắng tay”, ông Trung nói. 

Công ty TNHH Hồng Ngọc cũng gặp trường hợp tương tự như Bsarm. Theo lời bà Lê Thị Hồng Ngọc, Phó Giám đốc Công ty thì doanh nghiệp này đã tiến hành ký hợp đồng bao tiêu một số sản phẩm như mía, hồng, dứa với các hộ nông dân. Công ty cung cấp giống cây, phân bón và tổ chức các khóa đào tạo cho người nông dân theo tiêu chuẩn Vietgap nhưng chưa kịp thu mua, người dân đã bán hết ra thị trường vì thương lái thu mua giá cao hơn. 

Bà Ngọc khẳng định, công ty không thể thu mua giá cao như giá mà thương lái đưa ra vì thương lái họ không phải bỏ công sức, tâm huyết và tiền bạc ra đầu tư, còn công ty bà phải chi tất cả mọi thứ để mong có vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất nhưng cuối cùng, lại thua… thương lái ở bước “chốt hạ”. Và đến giờ, sau nhiều lần bị… “vỡ trận” như thế, Công ty Hồng Ngọc đã ngừng làm việc trực tiếp với nông dân. 

Không chỉ những doanh nghiệp (DN) mới… lặn lội vào lĩnh vực nông sản mới gặp “quả đắng” như trên bởi một số doanh nghiệp gạo cội cũng từng gặp tình huống tương tự. Tổng Giám đốc (TGĐ) một công ty sữa cho hay, công ty của ông thông qua UBND cấp huyện làm việc và ký hợp đồng thu mua sữa với bà con. 

Ban đầu tiến hành thu mua theo sản lượng hàng ngày của bà con nhưng sau này, công ty phát hiện ra vấn đề, mùa hè, sữa được giá, bà con thường bán bớt ra ngoài với giá cao hơn giá công ty thu mua. Vì thế, sản lượng sữa thu mua được trong mùa hè rất thấp, còn mùa đông sản lượng lại tăng đột biến, trong khi mùa hè mới cần nhiều để kịp cho thị trường. Sự việc kéo dài khiến doanh thu của công ty bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ràng buộc bằng ký quỹ?

Những câu chuyện về “quả đắng” trong mùa trái ngọt nêu trên là bình thường với tư duy, bản tính của người nông dân Việt. Đây chính là cản trở khiến cho việc quy hoạch sản xuất, vùng nguyên liệu không thể thực hiện bài bản, dẫn tới những “mùa giải cứu” mỗi khi thương lái… biến mất tăm như hiện nay. 

DN và HTX đã được xác định sẽ là người dẫn dắt “cuộc chơi” nông sản. Vậy, có phương cách nào để ràng buộc, cam kết trách nhiệm giữa 2 bên, để cuộc chơi này trở nên công bằng, tạo thế đứng vững chắc cho nền nông sản Việt?

Vị TGĐ công ty sữa vừa  “bật mí”, năm sau, khi thương thảo lại hợp đồng, công ty đã quyết định, đưa điều khoản thu mua sản lượng sữa vào trong hợp đồng. Cụ thể, sản lượng sữa thu mua mùa đông sẽ gấp 2 lần sản lượng sữa mua trong mùa hè. Ban đầu, người nông dân phản đối quyết liệt, cho rằng công ty ép họ, vì họ không thể bắt con bò tiết sữa ít hơn sản lượng công ty thu mua trong mùa đông. 

Nhưng công ty sữa vẫn kiên quyết đưa điều khoản này vào hợp đồng, để tránh việc người nông dân cứ bán sữa cho thương lái ở mùa hè (với giá cao) rồi đến mùa đông, khi thương lái không thu mua lại bắt công ty... “chịu trận”. 

Ông Nguyễn Đức Trung, Giám đốc Công ty CP hữu cơ Bsarm  cho rằng, có nhiều cách để ràng buộc trách nhiệm giữa người nông dân và DN. Có thể buộc DN ký quỹ ở một ngân hàng được chỉ định để tránh việc DN… bỏ chạy khi thị trường rớt giá. Theo ông Đức, đây là một hình thức quá mới ở Việt Nam nhưng nếu muốn đảm bảo sản xuất nông sản bền vững và kết thúc những cuộc giải cứu thì đây là một cách nên làm. 

Bởi với hình thức này, dù thị trường có rớt giá, người nông dân vẫn bán được sản phẩm của mình, vẫn nhận về giá trị lao động sau một mùa vụ vất vả (từ khoản DN ký quỹ). Lâu dần, họ sẽ thay đổi, hợp tác và ủng hộ DN, lúc ấy chắc chắn việc sản xuất theo tín hiệu thị trường đã bắt đầu hình thành.

 Một cách khác mà ông Trung đã từng làm là ký hợp đồng với giá trị thu mua nằm trong biên độ dao động theo giá cam kết. Với hình thức này, nếu giá thị trường tăng, DN cũng sẽ thu mua tăng theo giá trị phần trăm đã cam kết và nếu thị trường rớt giá, người nông dân cũng phải chấp thuận giảm giá. 

Tuy nhiên, theo ông Đức, hình thức này cũng có mức độ rủi ro nhất định nếu thương lái vào cuộc. Bởi chỉ cần thương lái tung “quân xanh, quân đỏ” vào vùng sản xuất, nâng cao giá, ngay lập tức người nông dân cũng sẽ ép DN thu mua với giá (có thể) ảo đó.

Ông Nguyễn Huy Minh, Phó TGĐ Sunshine Holding cũng đồng tình, hầu hết DN đều không thể… “đấu lại” lực lượng thương lái vì họ là những người thông thuộc địa bàn, hiểu tập tính sản xuất và gần gũi với các hộ nông dân. Do đó, khi làm việc với người nông dân, nên có thêm một bên thứ 3 vào cuộc, ví như đại diện của UBND xã. Trong trường hợp này, UBND xã sẽ là đơn vị điều phối, giám sát điều khoản thực hiện hợp đồng của 2 bên. 

Theo ông Minh, trong câu chuyện nông sản hiện nay, lỗi hoàn toàn không thể chỉ là từ phía người dân. Ông Minh cho rằng, trong nhiều trường hợp, người dân tự ý bán ra ngoài do họ thấy thiếu an toàn trong các cam kết, ràng buộc với DN. 

Do đó, một hợp đồng càng chặt chẽ với các điều khoản cụ thể bao nhiêu thì càng thể hiện trách nhiệm và quyền lợi rõ ràng của các bên bấy nhiêu. Đây chính là cách thức tốt nhất ràng buộc trách nhiệm giữa 2 bên, tránh xảy ra các hiện tượng “xù” hợp đồng hoặc phải giải cứu như đã từng xảy ra. (còn nữa).

Đọc thêm