Giảm “cho không”, tăng cho vay ưu đãi

(PLO) - Đó là một trong những chủ trương mà Chính phủ dự định thực hiện nhằm giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tại dự thảo Nghị định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính sách cho không tạo ra tính ỷ lại của người nghèo

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hỗ trợ phát triển sản xuất là giải pháp quan trọng để giúp các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, từ đó thoát nghèo bền vững. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo (2011-2015) đã giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất để có thu nhập ổn định từ đó giảm bền vững.

Nhận thức của người dân về chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chọn giống cây trồng, vật nuôi, phương thức canh tác, chăm sóc, bảo vệ rừng ngày càng được cải thiện. Người nghèo, hộ nghèo đã được tiếp cận với các kiến thức, khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào thực tế, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị cao hơn để thay thế cho các giống cũ, phương thức canh tác, nuôi trồng cũ, năng suất thấp ở địa phương. Đời sống của người dân, nhất là người nghèo đã từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo được quy định dàn trải ở nhiều văn bản khác nhau. Một số nội dung và định mức hỗ trợ phát triển sản xuất còn bất cập. Việc bố trí vốn còn thấp so với nhu cầu thực tế nên nhiều nội dung trong đề án giảm nghèo ở các địa phương chưa được triển khai.

Một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giảm nghèo còn chồng chéo về nội dung, đối tượng hưởng thụ, địa bàn, thiếu nhất quán về quy trình thực hiện, mức chi, thanh quyết toán cho cùng một lĩnh vực trên cùng một địa bàn. Thiếu cơ chế phối kết hợp lồng ghép cụ thể từ cấp Trung ương đến địa phương. 

Một số chính sách mang tính chất cho không đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác giảm nghèo, hạn chế tính sáng tạo, chủ động của các địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách, tạo ra tính ỷ lại của một bộ phận người nghèo.

Do các hộ nghèo, vùng nghèo nhận được đầu tư hỗ trợ từ nhiều chính sách khác khau, các chính sách này lại không nhất quán hỗ trợ về mức đầu tư, quy trình lập kế hoạch và thời gian hỗ trợ, đầu tư, vì vậy mà các nguồn lực giảm nghèo đã bị xé lẻ. Các hộ được nhận nhiều hỗ trợ khác nhau song mỗi lần được hỗ trợ một khoản nhỏ, do vậy các hỗ trợ này đã không đủ để có một kế hoạch sản xuất đồng bộ, với qui mô lớn hơn để tạo sức bật thoát nghèo.  

Việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi một lần chưa phát huy hiệu quả do người nghèo, dân tộc chưa làm làm quen nên cần được tiếp tục hỗ trợ trong 2-3 mùa vụ. Việc sản xuất đã được cải thiện song chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn lúng túng trong việc phối hợp với địa phương lựa chọn nội dung và hình thức đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất cho huyện nghèo, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Hộ nghèo được hỗ trợ tối đa 18 triệu đồng/hộ/dự án

Theo dự thảo Nghị định nói trên, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 được xây dựng trên cơ sở, rà soát tích hợp các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, loại bỏ những chính sách không phù hợp, chồng chéo, bổ sung những chính sách mới phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để tạo việc làm tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả hỗ trợ từ đó giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, giảm dần sự hỗ trợ trực tiếp, cho không, tăng sự hỗ trợ gián tiếp như cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, giống mới, tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự chủ trong sản xuất như các hộ khác. Không làm tăng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho phát triển sản xuất để giảm nghèo hàng năm bằng cách từng huyện thực hiện hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ có điều kiện theo các chương trình, dự án phát triển sản xuất được phê duyệt, không dàn trải, chia đều bình quân như hiện nay.

Việc hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất nông, ngư nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương, nhằm tạo sự chuyển biến nhanh hơn về thu nhập và đời sống cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Hỗ trợ đa dạng các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo, thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất và đa dạng hóa về thu nhập cho người nghèo, hộ nghèo; tạo cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường (thị trường vốn, lao động, đất đai, khoa học kỹ thuật - công nghệ và thị trường hàng hoá đầu vào, đầu ra...).

Về định mức hỗ trợ, hộ nghèo được hỗ trợ tối đa 18 triệu đồng/hộ/dự án, hộ cận nghèo được hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/hộ/dự án, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ tối đa 13 triệu đồng/hộ/dự án. Doanh nghiệp, hợp tác xã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thuộc dự án được hỗ trợ chi phí vận chuyển nông sản với mức 1.500 đồng/tấn/km; khoảng cách được tính từ địa điểm sản xuất của nông dân đến cơ sở chế biến hoặc sơ chế sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã. Hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và quản lý dự án phát triển sản xuất không quá 5% tổng kinh phí thực hiện dự án.

Đọc thêm